Sáng 4/8, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp khẩn về vụ phóng tên lửa đạn đạo mới nhất của Triều Tiên theo đề nghị của Mỹ, Nhật Bản. Tại cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an, Anh và Pháp cho biết, 2 nước này muốn thúc đẩy việc ra một tuyên bố của Hội đồng Bảo an lên án mạnh mẽ các vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên, kể cả áp đặt thêm lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên. 

tenlua_npkm_pzzg.jpg
Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. (ảnh: AFP).

Phó đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc Peter Wilson cho rằng lần đầu tiên, tên lửa của Triều Tiên rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản nên Hội đồng Bảo an cần cân nhắc kỹ động thái mới này. Ông cũng cho rằng vụ phóng mới nhất rõ ràng vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an nghiêm cấm Triều Tiên phát triển công nghệ tên lửa.

Đại sứ Hàn Quốc tại Liên Hợp Quốc Oh Joon cho biết, từ đầu năm đến nay, Triều tiên đã tiến hành 13 vụ thử tên lửa, trong đó bắn 29 quả tên lửa các loại và sử dụng bệ phóng di động và tàu ngầm. Ông cho rằng, mục tiêu của các vụ thử này là nâng cấp công nghệ tên lửa, đe dọa an ninh của toàn bộ các nước trong khu vực. 

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gọi vụ phóng tên lửa là sự “đe dọa nghiêm trọng”. Nhật Bản thông báo lực lượng phòng vệ vẫn đặt ở tình trạng báo động, đề phòng các vụ phóng tiếp theo của Triều Tiên.

Tuy nhiên, kết thúc cuộc họp kín kéo dài khoảng 2 giờ, Hội đồng Bảo an đã không ra được tuyên bố về vụ phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung của Triều Tiên. 

Phát biểu sau cuộc họp, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Samantha Power đã kêu gọi "phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ từ Hội đồng Bảo an", khẳng định vụ phóng tên lửa này là mối đe dọa nghiêm trọng khác đến hòa bình và an ninh khu vực.

Trước đó cùng ngày, ông Stéphane Dujarric, người phát ngôn Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cho biết: “Chúng tôi một lần nữa quan ngại sâu sắc về vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên, trong đó có một quả tên lửa rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Hành động này làm tổn hại nghiêm trọng hòa bình, ổn định của khu vực. Chúng tôi một lần nữa kêu gọi Triều Tiên lắng nghe lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế chấm dứt các hành động đó và trở lại tiến trình đối thoại thực chất”.

Mỹ, Nhật Bản và 10 nước thành viên Hội đồng Bảo an đã gửi một công hàm chung lên Liên Hợp Quốc, đề nghị tổ chức này điều tra các vụ thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Cuộc điều tra này có thể xác định những các cá nhân và công ty có dính líu tới chương trình tên lửa của Triều Tiên và những đối tượng này có thể phải chịu một số biện pháp trừng phạt như không được cấp thị thực đi lại trên toàn cầu và bị phong tỏa tài sản./.