Bộ Phòng vệ sẽ đề nghị ngân sách khoảng 5.250 tỷ yên, tương đương khoảng 48,2 tỷ USD, cho tài khóa bắt đầu vào tháng 4/2018. Mức ngân sách này tăng 2,5% so với tài khóa hiện nay.

trieu_tien_etel.jpg
Binh sĩ Nhật Bản đứng trước hệ thống phòng thủ tên lửa vừa được triển khai ở trung tâm thủ đo Tokyo. Ảnh: Reuters

Một phần ngân sách chưa được xác định cụ thể sẽ được dành cho việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa mới do Mỹ chế tạo có tên là "Aegis Ashore". Đây là phiên bản trên mặt đất của hệ thống Aegis triển khai trên tàu.

Bộ Phòng vệ cũng sẽ đề nghị ngân sách để mua tên lửa đánh chặn kiểu mới "SM-3Block IIA" cho tàu Aegis và để chế tạo radar tiên tiến có khả năng phát hiện và theo dõi đường bay của tên lửa đạn đạo.

Kế hoạch này được đưa ra sau khi Bắc Triều Tiên liên tục phóng thử tên lửa theo phương pháp "đường đạn cao", theo đó tên lửa được phóng lên độ cao cao hơn bình thường.

Ngoài ra, khoản ngân sách này cũng bao gồm chi phí sản xuất phiên bản Block IIA của hệ thống tên lửa Standard Missile-3 do Mỹ và Nhật Bản cùng phát triển để có thể bắn hạ tên lửa của đối phương ở tầm cao hơn. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng sẽ mua phiên bản nâng cấp của siêu chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5 F-35 do hãng Lockheed Martin của Mỹ chế tạo.

Nhật Bản cũng sẽ dành một khoản ngân sách cho việc tăng cường năng lực của lực lượng phòng vệ bờ biển nước này tại khu vực phía Nam quần đảo Miyakojima và Amami Oshima để đối phó với những hành động leo thang căng thẳng của Trung Quốc ở biển Hoa Đông.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng mong muốn phát triển một chiếc chiến đấu cơ không người lái trong vòng 20 năm tới với sự hỗ trợ từ khu vực tư nhân trong việc chế tạo hệ thống liên lạc, vũ khí và hệ thống laser.

Theo đó, trước hết, giới quân sự Nhật Bản sẽ phát triển một máy bay trinh sát không người lái trong giai đoạn 10 năm tới và trong giai đoạn 10 năm sau sẽ phát triển một chiến đấu cơ không người lái./.