Ngày mai (7/10), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ tiến hành đợt cải tổ Nội các lần thứ 2 kể từ khi ông được bầu làm Thủ tướng Nhật vào tháng 12/2012. 

Lần cải tổ Nội các này diễn ra trong bối cảnh uy tín của ông Abe và chính phủ bị giảm sút, đặc biệt khi ông Abe vẫn kiên định lập trường thúc đẩy Dự luật an ninh mới và vấp phải sự phản đối của nhiều đảng phái đối lập và một bộ phận dân chúng, mặc dù dự luật đã được thông qua.

a_be_hikv.jpg
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (Ảnh Reuters)

Trong nhiều tháng nay, tỷ lệ ủng hộ Chính phủ Thủ tướng Abe chỉ ở mức dưới 40% và liên tục giảm trong 3 tháng trở lại đây. Và để cải thiện tình trạng này và mong muốn xây dựng một Nội các năng động và trẻ hơn, ông Abe đã quyết tâm cải tổ Nội các và  công bố lộ trình này vào cuối tháng 9 vừa qua. Thủ tướng Abe ngày hôm nay (6/10) đã có cuộc trao đổi với Tổng thư ký đảng LDP Sadakazu Tanigaki về điều chỉnh cuối cùng liên quan tới nhân sự trong cuộc cải tổ nội các lần này dự kiến sẽ công bố vào ngày mai 7/10.

Dự kiến trong 19 thành viên của Nội các hiện nay, khả năng có 8 thành viên trong đó có Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng tài chính Aso Taro, Bộ trưởng kinh tế, Ngoại trưởng Fumio Kishida, là những nhân vật có khả năng vẫn lưu nhiệm trong đợt cải tổ Nội các này của ông Abe. Và 10 thành viên Nội các có thể bị thay thế. 

Tăng tỷ lệ nữ trong Nội các cũng là một ưu tiên của ông Abe trong lần cải tổ này. Theo đó có ít nhất 04 ghế nữ Bộ trưởng như hiện nay. Trong số những ứng cử viên sáng giá hiện đang nổi lên có bà Tamayo Marukawa, 44 tuổi, là nhà chính trị gia, xuất thân từ một phát thanh viên của một kênh truyền hình tư nhân Nhật Bản, và bà Shinako Tsuchiya - Chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Hạ viện. Ngoài ra, Thủ tướng Abe cũng đang xem xét bổ nhiệm bà Tomomi Inada - Chủ tịch Hội đồng nghiên cứu chính sách của Đảng Dân chủ Tự do, người được biết đến là có nhiều điểm tương đồng với Thủ tướng Shinzo Abe. Theo các nhà phân tích, cuộc cải tổ Nội các lần này không nằm ngoài mục đích tiếp tục nhằm thúc đẩy phát triển nền kinh tế đang suy thoái của Nhật Bản, tăng cường ảnh hưởng của Nhật Bản đối với thế giới./.