Theo Reuters, chiều 29/9 lực lượng cứu hộ Nhật Bản buộc phải ngừng hoạt động tìm kiếm trên các sườn đồi của ngọn núi lửa Ontake sau khi tìm thấy thêm nhiều thi thể bị vùi lấp gần đó.

Giống như hôm qua, hoạt động cứu hộ một lần nữa phải tạm hoãn do lo ngại chất lưu huỳnh độc hại tích tụ ở gần đỉnh núi lửa, tạo ra một lớp tro xám tỏa xuống các sườn đồi. Theo báo cáo mới nhất, đến giữa chiều nay lực lượng cứu hộ đã tìm thấy 36 người trong đó có 10 người đã chết, trong khi số còn lại đang trong tình trạng “tim ngừng đập”, khả năng sống sót là rất thấp. Ngoài ra, còn có hơn 60 người khác bị thương và một số lượng chưa rõ người mất tích do không thông báo với chính quyền địa phương trước khi leo núi.

nui_lua_tqvu_ynln_btyt_mumb.jpg

Núi lửa Ontake phun trào (Ảnh AP)

Ngay sau khi thảm họa xảy ra, hơn 500 lính cứu hỏa, cảnh sát, binh sĩ cùng nhiều máy bay trực thăng được huy động để tìm kiếm cứu nạn bất chấp tro bụi và khí độc phun ra từ ngọn núi cao hơn 3.000 này.

Trước tổn thất nghiêm trọng về người, Thủ tướng Nhật Bản đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân thiệt mạng:“Tôi muốn chia sẻ nỗi đau tới những gia đình có người thiệt mạng và bày tỏ sự cảm thông đến những người bị ảnh hưởng bởi núi lửa phun trào. Chính phủ Nhật Bản cam kết sẽ tiếp tục những nỗ lực đầy đủ trong hoạt động tìm kiếm cứu nạn, đồng thời cảnh báo sớm các vụ phun trào tiếp theo để bảo vệ cuộc sống cho người dân ở khu vực thảm họa”.

Cơ quan khí tượng Nhật Bản cảnh báo núi lửa sẽ tiếp tục hoạt động, có thể tạo ra lớp tro bụi bao phủ trong khu vực có bán kính lên tới 4 km tính từ miệng núi lửa. Hiện tượng phun trào nham thạch cũng có thể xảy ra. Nằm giữa tỉnh Nagano và Gifu cách thủ đô Tokyo 200 km về phía Tây, núi lửa Ontake bất ngờ hoạt động trở lại vào trưa 27/9 và tạo ra cột khói bụi cao tới 10 km. Trước đó, núi lửa này đã nhiều lần "thức giấc". Lần phun trào lớn gần đây nhất xảy ra năm 1979, với lượng tro bụi lên đến 200.000 tấn./.