Tuyên bố nhấn mạnh việc đề nghị lãnh đạo thế giới thực hiện các chuyến thăm Hiroshima và Nagasaki, hướng tới thực hiện một thế giới không phổ biến vũ khí hạt nhân, chỉ trích Trung Quốc tăng cường năng lực hạt nhân, yêu cầu nước này nâng cao tính minh bạch và việc giảm thiểu rủi ro  hạt nhân.

Nội dung Tuyên bố này cũng là chủ đề sẽ được đề cập trong cuộc gặp trực tuyến giữa Thủ tướng Kishida Fumio và Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến diễn ra vào tối nay. Đây là lần thứ 3 hai nước công bố Tuyên bố chung về Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) kể từ khi Thủ tướng Abe Shinzo và Tổng thống Mỹ Barack Obama hội đàm về vấn đề này vào năm 2015.

Liên quan đến việc thăm của các nhà lãnh đạo thế giới tới các địa danh bị ảnh hưởng do vũ khí hạt nhân, lần đầu tiên vào năm 2016, Tổng thống Mỹ Obama trong chuyến thăm Nhật Bản đã tới thăm Công viên kỷ niệm Hòa bình có ở thành phố Hiroshima-nơi chịu ảnh hưởng nặng nề do bom nguyên tử năm 1945.

Năm 2023, Hội nghị thượng đỉnh các nước Nhóm G7 dự kiến sẽ tổ chức tại Hiroshima, Nhật Bản. Nhật Bản hy vọng nhân dịp này lãnh đạo các nước sẽ chứng kiến sự khủng khiếp của vũ khí hạt nhân đã gây cho người dân nơi đây.  

Một điểm chú ý nữa là Tuyên bố có đề cập tới vấn đề phát triển hạt nhân của Trung Quốc và cho rằng, Trung Quốc có phần không minh bạch trong vấn đề này.

Hội nghị tái thảo luận Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) dự kiến được tổ chức trong tháng 1 này, tuy nhiên do ảnh hưởng của Covid-19 nên đã hoãn vào mùa Hè. Tuyên bố chung cũng đề nghị các nước ký kết Hiệp ước đóng góp những thành quả có ý nghĩa tại Hội nghị này.

Thủ tướng Kishida Fumio trong một phát biểu gần đây nhấn mạnh Nhật Bản đang nỗ lực để tổ chức Hội nghị hướng tới một thế giới không vũ khí hạt nhân, hy vọng sẽ có nhiều nhà lãnh đạo của các quốc gia sở hữu và không sở hữu vũ khí hạt nhân tham gia./.