Ngày 9/6, Nhật Bản đã lên tiếng khẳng định quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ sau khi phát hiện tàu Hải quân Trung Quốc đi vào khu vực tiếp giáp gần quần đảo Senkaku, mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, trên Biển Hoa Đông trong sáng cùng ngày. 

senkaku_bpql.jpg
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. (Ảnh: Reuters/Kyodo)

Tại cuộc họp báo ở Tokyo, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga tuyên bố, việc tàu Hải quân Trung Quốc đi vào khu vực trên là “hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng và gây quan ngại sâu sắc”.

CNN dẫn lời ông Suga: “Chúng tôi quan ngại sâu sắc trước việc tàu Hải quân Trung Quốc lần đầu tiên tiến vào vùng biển tiếp giáp với quần đảo Senkaku. Chúng tôi đã phối hợp Mỹ và cộng đồng quốc tế, mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc không lặp lại hành động đơn phương gây gia tăng căng thẳng này”.

“Senkaku là phần không tách rời của lãnh thổ Nhật Bản trên cơ sở lịch sử và luật pháp quốc tế. Chính phủ (Nhật Bản) sẽ thể hiện lập trường kiên quyết để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và lãnh hải”, ông Suga nói thêm. 

Ông Suga cho biết, Chính phủ Nhật Bản đã lập một đơn vị liên lạc tại trung tâm giải quyết khủng hoảng thuộc văn phòng Thủ tướng. Thủ tướng Shinzo Abe đã yêu cầu duy trì sự phối hợp chặt chẽ với các bộ và các cơ quan chính phủ cũng như với đồng minh Mỹ. 

Trước đó, theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, tàu khu trục tên lửa dẫn đường Setogiri của Nhật Bản xác nhận vào khoảng 0h50 (giờ địa phương), tàu khu trục của Trung Quốc đã đi vào khu vực phía Đông Bắc đảo Kuba, cách một đảo thuộc quần đảo Senkaku chỉ 38km, và rời đi lúc 3h10 sáng cùng ngày.

Tàu của lực lượng bảo vệ Nhật Bản và Trung Quốc vẫn thường xuyên “chạm mặt” ở khu vực xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà hai bên cùng tuyên bố chủ quyền. Cho đến nay, cả hai đều không cử tàu chiến tới vùng biển này để tránh thổi bùng leo thang căng thẳng có thể dẫn tới xung đột quân sự trong khu vực.

Ngay sau khi có thông tin về vụ xâm nhập của tàu Trung Quốc, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Akitaka Saiki đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại Tokyo để bày tỏ quan ngại sâu sắc trước sự việc này.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết họ đã theo dõi báo cáo về việc một tàu Hải quân của họ tiến vào gần khu vực quần đảo tranh chấp và rằng, lực lượng hải quân của họ có quyền thực hiện mọi hoạt động trong vùng biển của Trung Quốc.

“Tàu Hải quân Trung Quốc đi vào vùng biển mà chúng tôi có quyền tài phán là hợp lý và hợp pháp. Không nước nào có quyền đưa ra những nhận xét thiếu suy nghĩ về vấn đề này”, Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngang nhiên khẳng định như vậy trong một tuyên bố gửi đến Reuters.

Mỹ, đồng minh thân cận của Nhật Bản hiện vẫn chưa đưa ra phản ứng chính thức nào. Trả lời phỏng vấn của Reuters qua điện thoại, phó Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương Colin Willett cho biết: “Chúng tôi có biết về thông tin và đã liên lạc với Chính phủ Nhật Bản. Cho đến khi có được thông tin chi tiết hơn, tôi chưa thể bình luận gì về phản ứng của Washington”./.