Phát biểu trong cuộc họp báo vừa diễn ra hôm nay (ngày 26/10), Chánh văn phòng Nội các Katsunobu Kato cho biết, trong bối cảnh môi trường an ninh diễn biến ngày một phức tạp, chính phủ nước này mong muốn đạt được những tiến bộ thực tế và ổn định về giải giáp hạt nhân trong khi vẫn duy trì và tăng cường khả năng răn đe để đối phó với các mối đe dọa. Quan chức này cũng nhấn mạnh Nhật Bản chia sẻ mục tiêu của hiệp ước nhưng do tiếp cận vấn đề theo một cách khác nên Nhật Bản sẽ không trở thành một bên ký kết.

Là quốc gia duy nhất phải hứng chịu một cuộc tấn công hạt nhân, Nhật Bản luôn tìm cách thể hiện mình là nước đi đầu trong các nỗ lực quốc tế nhằm giải trừ hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Việc từ chối tham gia hiệp ước này sẽ đi ngược với quan điểm chống vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, việc phải phụ thuộc vào chiếc ô hạt nhân của Mỹ là nguyên nhân ngăn cản chính quyền Tokyo thông qua lệnh cấm hoàn toàn đối với sản xuất, sử dụng và dự trữ vũ khí hạt nhân.

Những người sống sót sau vụ ném bom nguyên tử năm 1945 tại Hiroshima, Nagasaki và các nhà hoạt động chống hạt nhân khác đã thúc giục chính quyền của Thủ tướng Suga Yoshihide ký vào hiệp ước lịch sử mang nặng tính biểu tượng này. Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân đã được 84 nước ký kết và sẽ có hiệu lực vào ngày 22/1/2021. Tuy nhiên, các cường quốc hạt nhân đều không tham gia hiệp ước này./.