Nhận xét về công tác tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội cũng như công tác đón tiếp phóng viên, các nhà báo Việt kiều ở nước ngoài về Hà Nội đưa tin đưa ra những nhận xét khá tích cực.
Ông VÕ TRUNG DUNG (tổng biên tập báo tiếng Pháp AsiePacifique.fr)
Không thua gì các nước phát triển
Các nước trung bình mất hai tháng để tổ chức một hội nghị cùng cấp như hội nghị lần này. Việc quyết định chọn Việt Nam làm nơi tổ chức sự kiện cực kỳ ngắn nên Việt Nam chỉ có khoảng 10 ngày để chuẩn bị.
Với khoảng thời gian ngắn như vậy mà Việt Nam có thể tổ chức công tác hậu cần, viễn thông, giao thông, an ninh và các thỏa thuận về nghi lễ giữa các bên, thì tôi đánh giá công tác chuẩn bị của Việt Nam thuộc hàng tốt nhất trên thế giới.
Có thể đó là điều bình thường ở những nước có tiềm lực mạnh, nhưng Việt Nam vẫn có thể làm tốt tương đương so với các nước phát triển. Không có gì để chê trách từ kỹ thuật, kỹ năng cho tới thái độ của mọi người. Đó là lý do tôi đánh giá rất cao công tác chuẩn bị hội nghị lần này của Việt Nam.
Nếu nói về hiệu quả tổ chức, công tác chuẩn bị của Việt Nam với Singapore là giống nhau dù Singapore là nước giàu hơn rất nhiều.
Tôi nghĩ có một điểm nếu làm tốt có thể giúp Việt Nam đón tiếp chu đáo hơn nữa, đó là đẩy mạnh công tác truyền thông tại sân bay. Ví dụ như đặt bảng thông báo Việt Nam đang tổ chức hội nghị thượng đỉnh, hoặc tổ chức đón tiếp và đưa đón phóng viên ngay tại phi trường. Giống như cách mà Thái Lan làm du lịch.
Đó là đề xuất của tôi thôi chứ hiện tại Việt Nam đang làm rất tốt. Các nhà báo nước ngoài mà tôi hỏi ý kiến cũng đồng ý như vậy.
Ông KHÔI NGUYÊN (báo Người Việt tại California, Mỹ)
Đội ngũ nhân sự nhiệt tình, vui vẻ
Vì thời gian chuẩn bị quá gấp gáp nên tôi gặp chút trở ngại trong việc đăng ký tác nghiệp, phía Việt Nam trả lời hơi chậm. Đoàn chúng tôi đành phải lên máy bay qua Việt Nam trước khi có xác nhận được phép tham gia hay không.
Các phóng viên ở xa thì hơi bất lợi về thời gian nên nếu có thể thì tôi mong Việt Nam cải thiện điểm này.
Về công tác tổ chức, tôi thấy Trung tâm báo chí quốc tế tổ chức rất tốt, nhất là về đường truyền Internet, tốt hơn rất nhiều so với kỳ APEC lần trước (ở Đà Nẵng tháng 11-2017). Đội ngũ nhân sự cũng giúp đỡ rất nhiệt tình, tinh thần vui vẻ và không hề lúng túng.
Ngoài ra Trung tâm báo chí quốc tế rất gần các con đường lớn của Hà Nội nên việc di chuyển giữa các địa điểm khá dễ dàng và nhanh. Phương tiện di chuyển cũng đa dạng như taxi, kẹt xe thì đi xe ôm.
Tôi rất thích việc phía trước trung tâm có đơn vị taxi được chuẩn bị sẵn, phóng viên cần đi đâu chỉ cần ra bàn thông tin là có xe, rất tiện lợi.
Ông ĐOÀN TRỌNG (phát thanh viên Little Saigon TV Network, bang California, Mỹ)
Chuyên nghiệp đến bất ngờ
Tôi chuyển đến Mỹ vào những năm 1980 và sinh sống ở Mỹ từ ngày đó. Tôi đã đến dự Hội nghị APEC 2017 và tôi phải công nhận rằng công tác tổ chức của sự kiện đó quá tốt. Chính vì vậy mà tôi vững tin vào Việt Nam khi nghe tin thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ diễn ra ở đây.
Cũng vì vậy tôi đã đồng ý đến để tác nghiệp dù trước đó không tham dự thượng đỉnh đầu tiên tại Singapore. Mặc dù vậy, Hà Nội không phải Đà Nẵng nên thời gian đầu tôi khá lo lắng không biết có tìm được địa điểm phù hợp để làm Trung tâm báo chí, đủ điều kiện đảm bảo vấn đề đi lại của các lãnh đạo cấp cao cũng như vấn đề an ninh hay không.
Khi đến Việt Nam, tôi bất ngờ khi thấy mọi việc đều đã được thu xếp rất tốt và rất chuyên nghiệp, không thua gì công tác tổ chức của các nước lớn, nước phát triển. Chỉ khi đó tôi mới nhận ra, Việt Nam đã thay đổi biết bao! Quả là một bước ngoặt lớn cho Việt Nam.
Điều tôi thích nhất trong công tác tổ chức lần này có lẽ là khẩu hiệu "Hà Nội - Thành phố vì hòa bình". Khẩu hiệu này rất quan trọng khi đặt vào bối cảnh rằng nước chúng ta đã phải vượt qua quá nhiều chiến tranh và khổ đau.
Do đã lớn tuổi nên sức khỏe không còn cho phép tôi đi lại thường xuyên như trước và đây có lẽ sẽ là chuyến công tác xa cuối cùng của tôi, cũng là đến Việt Nam lần cuối./.
Tổng thống Trump: Tôi rất muốn dỡ bỏ lệnh trừng phạt Triều Tiên
Ông Trump và ông Kim Jong Un rời hội nghị sớm, không đạt thỏa thuận