Tuyên bố được đưa ra vài ngày trước thời hạn chót 15/10, theo đó Tổng thống Mỹ sẽ phải thông báo quyết định về tương lai của thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran.
Phát biểu sau cuộc gặp giới lãnh đạo quân sự để thảo luận về vấn đề hạt nhân Iran, Tổng thống Donald Trump khẳng định Iran không thực hiện theo tinh thần của thỏa thuận này.
Theo ông, chính quyền Iran đang hỗ trợ khủng bố, xuất khẩu bạo lực và hỗn loạn khắp Trung Đông, đây là lý do Mỹ phải chấm dứt các hành động gây hấn và tham vọng hạt nhân của Iran.
Ông Trump nói: “Ở Triều Tiên, mục đích của chúng ta là giải trừ hạt nhân. Chúng ta không thể cho phép chế độ này đe dọa nước Mỹ và các đồng minh với những thiệt hại không thể tưởng tượng được về con người. Chúng ta sẽ làm những gì phải làm để ngăn chặn điều đó xảy ra.
Tương tự với Iran, chúng ta cũng không được cho phép Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Cần phải chấm dứt tham vọng hạt nhân của Iran. Họ đã không làm theo tinh thần của thỏa thuận hạt nhân”.
Ông Donald Trump dự kiến sẽ có bài phát biểu vào ngày 12/10, trong đó phác thảo một chiến lược lớn hơn nhằm đối phó với Iran, quốc gia mà Mỹ chỉ trích gây ra sự mất ổn định ở Trung Đông.
Nhiều quan chức Mỹ cho hay Tổng thống Donald Trump đã nêu rõ rằng ông không muốn xác nhận việc Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân lịch sử, bất chấp khuyến nghị từ một số cố vấn thân cận nhất.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis hôm 3/10 vừa qua cũng đã phải thừa nhận rằng về cơ bản, Iran đã tuân thủ thỏa thuận hạt nhân và thỏa thuận này phù hợp với lợi ích quốc gia Mỹ. Do đó Mỹ nên cân nhắc duy trì thỏa thuận, trừ khi chứng minh được Iran không tuân thủ các điều khoản liên quan hoặc Mỹ không có lợi ích quốc gia trong việc thực thi thỏa thuận này.
Nếu tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, ông Donald Trump sẽ khởi động quá trình kéo dài 60 ngày ở Quốc hội Mỹ nhằm xem xét các bước tiếp theo. Động thái này sẽ đánh dấu bước đi đầu tiên trong tiến trình có thể dẫn đến việc tiếp tục các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI), ông Ali Akbar Salehi hôm 5/10 cảnh báo, nếu Mỹ rời khỏi thỏa thuận hạt nhân và những nước khác cũng "nối gót" hành động như vậy, thỏa thuận này chắc chắn sẽ đổ vỡ. Nhưng nếu chỉ có Mỹ làm thế, ủy ban giám sát việc thực thi thỏa thuận hạt nhân nên có quyết định về vấn đề này.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng từng cảnh báo, nếu thỏa thuận hạt nhân đổ vỡ, Iran sẽ đưa ra công nghệ hạt nhân tiên tiến hơn so với thời kỳ trước khi có thỏa thuận này. Ông nhấn mạnh, Iran không mong muốn Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân. Theo ông, nếu Mỹ làm như vậy, thì họ đã mắc phải một sai lầm lớn và sẽ đánh mất sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế.
Tổng thống Mỹ cân nhắc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran
“Tôi không biết liệu nước nào đó có thực sự muốn rút khỏi thỏa thuận này không. Nếu có, thì họ đang tự làm khó chính bản thân mình, họ sẽ chẳng đạt được điều gì”, ông Rouhani nói. “Nếu chính phủ Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, thì quyết định này sẽ bị người dân Mỹ chỉ trích. Liên minh châu Âu, tất cả các nước khác trên thế giới cũng đều sẽ đều có sự phán xét công bằng. Ngay cả các đồng minh của Mỹ cũng sẽ không ủng hộ Mỹ trong vấn đề này”.
Thỏa thuận hạt nhân được ký hồi tháng 7/2015 sau nhiều năm quan hệ căng thẳng giữa Iran và phương Tây, theo đó Iran hạn chế các hoạt động làm giàu uranium để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của quốc tế.
Sau khi lên nắm quyền vào tháng 1 năm nay, tức một năm sau khi thỏa thuận hạt nhân có hiệu lực, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã tìm các lý do để đơn phương rút hoặc hủy bỏ thỏa thuận này. Trong khi đó, tất cả các bên tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân, ngoại trừ Mỹ, đều nhấn mạnh thỏa thuận hạt nhân Iran cần phải được duy trì.
Liên minh châu Âu mới đây đã khẳng định sẽ nỗ lực hết sức để bảo vệ thỏa thuận hạt nhân. Tổng thư ký Cơ quan Chính sách Đối ngoại Liên minh châu Âu (EU), bà Helga Schmid cho rằng, thỏa thuận hạt nhân lịch sử không phải là một thỏa thuận song phương, mà là một thỏa thuận đa phương, do vậy các nước châu Âu sẽ làm tất cả để đảm bảo duy trì thỏa thuận này./.