Cuộc họp diễn ra theo yêu cầu của Anh sau khi tướng Khalifar Haftar đứng đầu chính quyền miền Đông Lybia ra lệnh cho các lực lượng tiến về các tỉnh miền Tây, bao gồm cả thủ đô Tripoli và hiện chỉ còn cách thủ đô chỉ khoảng vài chục km. Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Lybia ở miền Tây do Thủ tướng Fayez al- Serraj đứng đầu và được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn gọi đây là hành động “leo thang” căng thẳng, đồng thời chỉ thị cho các lực lượng thân chính phủ “sẵn sàng đối phó”.

hdba_hop_khan_evoc.jpg
Một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ảnh: The Guardian

Phát biểu sau chuyến thăm 2 ngày tới Libi và có cuộc gặp với tướng Khalifar Haftar tại thành phố miền Đông Benghazi, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày 5/4 đã cho thấy sự thất vọng khi tuyên bố, tình hình là cực kỳ đáng lo ngại: “Tình hình là cực kỳ đáng lo ngại. Song tôi vẫn hi vọng có thể tránh được một cuộc đối đầu đẫm máu tại Tripoli. Liên Hợp Quốc sẵn sàng tạo điều kiện cho bất kỳ giải pháp chính trị nào có thể thống nhất các thể chế Lybia. Người Lybia xứng đáng có được hòa bình, an ninh, thịnh vượng và tôn trọng nhân quyền”.

Đáng chú ý, ngay sau phát biểu của Tổng thư ký Antonio Guterres chỉ vài giờ, một người phát ngôn lực lượng quân sự miền Đông Libi thông báo, lực lượng này đã kiểm soát sân bay quốc tế Tripoli cũ ở ngoại ô phía Nam thủ đô và nắm quyền kiểm soát 2 thị trấn gần Tripoli là Tarhouma và Aziziya.

Ngoại trưởng Nhóm các nền Công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) đang nhóm họp tại Pháp đã bày tỏ lo ngại sâu sắc về các diễn biến làm leo thang căng thẳng ở Lybia, đồng thời kêu gọi chấm dứt ngay lập tức mọi hoạt động quân sự hướng về thủ đô Tripoli, đe dọa tới các triển vọng trong tiến trình chính trị được Liên hợp quốc ủng hộ, khiến cuộc sống của dân thường bị đe dọa. Tuyên bố của G7 cũng nhấn mạnh, không có giải pháp quân sự cho cuộc xung đột Xyri, đồng thời phản đối mọi hành động quân sự ở nước này.

Sau cuộc lật đổ chính quyền của cựu Tổng thống Mouammar Kadhafi năm 2011, Lybia vẫn chưa có ngày bình yên và luôn chìm trong tình trạng bất ổn, với sự tồn tại song song của hai chính phủ và sự xuất hiện ngày càng nhiều của các tay súng nổi dậy. Chính phủ đoàn kết dân tộc của Thủ tướng Fayez al- Serraj, được quốc tế công nhận ở miền Tây và đặt trụ sở ở thủ đô Tripoli. Trong khi đó, chính quyền do Quân đội quốc gia Lybia tự xưng của Tướng Khalifar Haftar đứng đầu đặt trụ sở ở thành phố miền Đông Benghazi.

Lo ngại nguy cơ căng thẳng leo thang vượt tầm kiểm soát, Chính phủ Nga hôm qua cảnh báo nguy cơ Lybia rơi vào “bể máu”, đồng thời kêu gọi một giải pháp hòa bình và chính trị cho cuộc xung đột.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitri Peskov nói: “Chúng tôi đang theo dõi sát tình hình ở Lybia. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tránh mọi hành động có thể dẫn tới đổ máu và cần phải tiếp tục nỗ lực giải quyết tình hình thông qua con đường chính trị và hòa bình”.

Trước Nga, Mỹ, Pháp, Anh, Italy và Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất cũng yêu cầu tất cả các bên tham chiến tại Lybia ngay lập tức làm dịu căng thẳng. Những diễn biến đáng lo ngại này diễn ra ngay trước Đại hội dân tộc Lybia dự kiến vào giữa tháng 4 này dưới sự chủ trì của Liên hợp quốc nhằm xây dựng một lộ trình hòa bình cho Lybia./.