Cùng với nhiều ngành nghề mưu sinh khác ở đất nước hoa Chăm pa, những xưởng làm đồ gỗ thủ công mỹ nghệ của người Việt đến từ các làng nghề nổi tiếng của Việt Nam đã tạo nên vị trí nhất định trong lòng khách hàng. Không những vậy, đồ gỗ thủ công mỹ nghệ của người Việt trên đất Lào còn được bạn hàng xuất khẩu đi nhiều nước khác trên thế giới.

vov_img_wnvm.jpg
Mặt hàng đồ gỗ của người Việt được bày bán tại Lào. 

Theo chồng sang lập nghiệp tại Lào đã hơn 10 năm, chị Trần Thị Mượt, Chủ xưởng mộc thủ công mỹ nghệ tại Vientiane, Lào quê gốc ở Cẩm Giàng, Hải Dương với nghề làm mộc truyền thống, đã xây dựng nên cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ có uy tín đối với bạn hàng. Để có được thành quả này là sự lao động và học hỏi không ngừng của cả hai vợ chồng chị nơi xứ người.

Chị Mượt chia sẻ, xưởng mộc của chị đã  phát triển được hơn 11 năm: “Ban đầu sang đây tôi đi làm cho xưởng của người Trung Quốc, tôi thấy họ làm được, có khách mà mình lại đi làm thuê cho họ nên hai vợ chồng quyết định ra thuê nhà thuê xưởng làm riêng. Khách hàng của tôi ở đây đa phần là người Trung Quốc, rồi người Lào, Thái Lan và một phần nhỏ là Nhật Bản”.

Theo chị Mượt, từ khi làm chủ công việc của mình thì bạn hàng của xưởng đã chủ động đặt các mẫu hàng theo thị hiếu riêng. Và từ các đơn hàng của khách, xưởng gỗ của chị Mượt đã tạo công ăn việc làm cho 15 lao động đến từ các làng nghề làm mộc ở Hải Dương, Hà Tây, Thanh Hoá... với thu nhập ổn định suốt nhiều năm qua.

Anh Trần Văn Ánh, thợ mộc thủ công mỹ nghệ tại xưởng của chị Mượt cho biết: “Sang đây đầu tiên cũng lạ nước lạ cái cuộc sống cũng không như ở nhà, chưa quen ngay được, nói chung thu nhập thì theo tay nghề, mức lương có người 1.500 USD, có người 1.000 USD, có người từ 300 đến 400 USD/ tháng... Mình làm nghề quen rồi thì nó cũng giống nhau thôi, không khó gì lắm”.

Từ các nguồn gỗ thừa, gốc cây bỏ đi,.. qua bàn tay khéo léo của những người thợ Việt Nam, những bức tượng Phật, tượng Tam Đa, tượng phù điêu, linh vật... biểu tượng của cát tường, no đủ, may mắn đã dành được yêu mến của bạn hàng tại thị trường Lào và được đưa xuất khẩu nhiều nước trên thế giới.  

Với bản tính cần cù chịu khó của người Việt, chủ cơ sở sản xuất đã tận dụng các nguồn gỗ tưởng chừng như bỏ đi để làm được ra các sản phẩm ưng ý với mong muốn tạo thêm nhiều công ăn việc làm nhiều cho lao động Việt Nam và cả người Lào.

Chị Vũ Thị Nhàn, thợ mộc thủ công mỹ nghệ rất hài lòng với thu nhập của mình tại xưởng: “Tôi sang đây từ đầu năm, giờ tôi đang làm công việc chà giấy giáp, công đoạn này cũng là gần cuối rồi, còn công đoạn cuối cùng là phun dầu cho đẹp hơn. Lương cũng cao công việc cũng nhàn nên tôi cũng muốn làm lâu dài để tiết kiệm được một khoản tiền”.

Biến khó khăn thành lợi thế, bằng sự chăm chỉ, năng động, biết tính toán làm ăn và đôi bàn tay tài hoa của người thợ làng quê Việt, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ đã trở thành một trong những ngành nghề được nhiều người Việt lựa chọn khi sang sinh cơ lập nghiệp ở Lào, góp phần đưa sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đến gần với khách hàng quốc tế hơn./.