Đúng một tuần sau vụ xả súng, tờ Charlie Hebdo ra số báo tiếp theo, số 1178, như một thông điệp bất tử của tự do báo chí và sự hồi sinh của một tờ báo mà những kẻ khủng bố muốn tiêu diệt.

Đó cũng chính lý do tại sao cả nước Pháp và cả thế giới chờ đợi sự ra đời của số báo mới Charlie Hebdo có mặt tại sạp ngày 14/1.

20150114_084548_bift.jpgNgười dân Pháp chờ một sạp báo mở cửa để mua tạp chí Charlie Hebdo

Theo những thông tin cuối cùng thì tờ Charlie Hebdo số 1178 được phát hành với con số kỷ lục 5 triệu bản.

Những hàng người dài xếp hàng. Cho đến 7 giờ sáng, hầu hết các sạp báo đều cháy hàng và cho biết nếu đặt trước thì có khả năng ngày mai hoặc 2 ngày nữa sẽ mua được. Tại một số sạp báo còn đóng cửa, hàng dài người kiên nhẫn chờ đợi với hy vọng sẽ được trực tiếp cầm trong tay số đặc biệt của Charlie Hebdo.

Trong hàng dài chờ đợi, một thanh niên trẻ cho biết: “Tôi đi đón mua số báo mới như để thể hiện sự ủng hộ của mình với Charlie Hebdo và với tự do báo chí. Tôi cũng không ngờ báo được bán nhanh đến thế và sẽ quay lại xếp hàng từ sáng sớm ngày mai để mua được”. 

Nếu bước vào một sạp báo vắng khách, bạn không cần hỏi, ngay lập tức sẽ nhận được cái lắc đầu. Ai cũng hiểu và mặc định với nhau về mối quan tâm với tờ Charlie Hebdo vào ngày 14/1.

Chủ một cửa hàng báo cho biết bình thường cả tuần bán được 15 cuốn Charlie Hebdo thì ngày hôm nay, chỉ trong 10 phút, ông đã bán 125 cuốn và phải buồn bã nói khách hàng trở lại vào ngày mai. Có cửa hàng phải dán biển “Hết Charlie Hebdo” để khách hàng không phải uổng công xếp hàng và thất vọng.

Nhiều người chuyển sang mua tờ Canard Enchainé – một tờ biếm họa thường ra sạp vào thứ 4, nhưng điểm đặc biệt là tờ báo này cũng đang nhận được những lời đe dọa khủng bố và đang được lực lượng an ninh bảo vệ nghiêm ngặt.

Trò chuyện với PV VOV, một người bước ra cửa hàng báo với tờ Canard Enchainé trên tay cho biết: “Tôi gắn bó với Charlie Hebdo từ bé, bởi văn hóa trong gia đình từ nhỏ rất thích tranh biếm họa. Những bức vẽ trêu chọc mọi thứ, chứ không chỉ nhằm vào khiêu khích một tôn giáo hay một nhân vật nào. Xem tranh biếm họa đã thành một văn hóa của người Pháp, một phần học tập của trẻ em ở trường. Thật buồn khi tác giả các bức vẽ phải ngã xuống trước làn đạn của bọn cực đoan”.

Chỉ vài ngày sau vụ xả súng, những nhà báo biếm họa may mắn sống sót của tờ Charlie Hebdo đã cùng vượt lên nỗi đau và quyết định tiếp tục làm việc. Họ được chuyển đến làm việc tại trụ sở tờ Giải phóng (Liberation) và được hầu hết các cơ quan báo chí khác của Pháp hỗ trợ.

Tay vẽ duy nhất sống sót trong đội ngũ lâu năm của Charlie Hebdo Luz –người giờ phụ trách chính về nội dung- cho biết ý tưởng về bức vẽ ở bìa đã xuất hiện trong anh ngay sau thảm kịch.

Và giờ đây, đó là bức vẽ nhà tiên tri Mohammed của đạo Hồi, rơi nước mắt và cầm trên tay tấm bảng có dòng chữ “Tôi là Charlie”. Lời tựa của bức vẽ là “Tha thứ tất cả”. Các thành viên ban biên tập cho biết thông điệp lớn nhất của số báo mới là hòa giải, tránh hận thù hay bài ngoại.

Cũng theo ban biên tập, số báo vẫn tiếp nối là 1178 chứ không gọi là “số đặc biệt”, đồng thời không có phần tưởng niệm đối với các nạn nhân của vụ xả súng hay một nội dung nào đau buồn. Tổng biên tập Gérard Biard hy vọng những bức vẽ đẹp với nội dung trào phúng sẽ đem lại tiếng cười cho tất cả mọi người trên khắp thế giới – đúng như mục tiêu khởi nguồn của tờ báo này khi ra đời./.