Ngày 11/7, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tới Afghanistan trong chuyến thăm không báo trước nhằm nỗ lực tìm kiếm giải pháp xoa dịu những căng thẳng xung quanh cuộc bầu cử Tổng thống vòng hai tại quốc gia Nam Á này.

Theo Văn phòng Bộ ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Kerry sẽ gặp gỡ hai ứng cử viên Tổng thống là các ông Abdullah Abdullah và Ashraf Ghani và Tổng thống sắp mãn nhiệm Hamid Karzai, cùng các quan chức Liên Hợp Quốc tại Afghanistan.

kerry_egiu.jpgÔng Kerry đang phải đối mặt với bài toán hậu bầu cử tại Afghanistan (Ảnh AP)

Phát biểu trước khi tới Afghanistan, Ngoại trưởng  Kerry cảnh báo Afghanistan đang phải đối mặt với “thời điểm khủng hoảng” trong tiến trình chuyển tiếp khi các ứng cử viên Abdullah và Ghani tranh cãi gay gắt về người sẽ lãnh đạo đất nước, đặc biệt trong bối cảnh các Lực lượng quốc tế đang rút dần khỏi nước này sau hơn một thập kỷ chiến tranh.

Ngoại trưởng  Kerry nhấn mạnh, thời điểm Afghanistan chọn ra Tổng thống mới sẽ là bước ngoặt quan trọng trong quá trình chuyển đổi dân chủ và đây cũng là lúc Mỹ và đồng minh đưa ra quyết định có nên tiếp tục hỗ trợ Afghanistan nữa hay không.

“Tôi vẫn giữ liên lạc với cả hai ứng viên Tổng thống và cũng như với Tổng thống đương nhiệm Hamid Karzai. Chúng tôi sẽ  động viên cả hai ứng viên không quá kỳ vọng vào chiến thắng và khuyến khích họ bày tỏ sự tôn trọng công khai đối với tiến trình kiểm tra bầu cử, đồng thời giúp họ thể hiện năng lực quản lý cũng như lãnh đạo đất nước, tại thời điểm mà Afghanistan cần điều đó hơn bao giờ hết”, ông Kerry tuyên bố.

Trở lại Afghanistan lần này, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cho biết sẽ tỏ thái độ trung lập, nghĩa là Mỹ sẽ không thiên vị ứng viên Tổng thống nào cả.

Điều này nghe vẻ có lý bởi vì trong chiến dịch tranh cử Tổng thống, cả ông Abdullah và Ghani đều bày tỏ mong muốn được tiếp tục là đối tác chiến lược của Mỹ tại khu vực. Cả hai đều cùng hứa hẹn sẽ ký Thỏa thuận an ninh với Mỹ( BSA) nếu giành chiến thắng.

Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đang dấy lên lo ngại rằng, nỗ lực thiết lập chế độ dân chủ tại Afghanistan sẽ "đổ sông đổ bể" nếu hỗn loạn bùng phát tại quốc gia mà Mỹ đã tiêu tốn biết bao sinh mạng và tiền của trong hơn thập kỷ qua.

Đặc biệt, điều này càng không thể xảy ra khi mà chính quyền Mỹ đang đau đầu tìm cách giải quyết những rối ren tại Iraq. Nhằm tăng  sức ép lên chính quyền Kabul, Nhà Trắng trước đó đã cảnh báo rằng nếu một trong hai ứng cử viên Tổng thống Afghanistan cố tranh giành quyền lực bằng cách vi phạm luật pháp, thì nước này sẽ tự đánh mất sự hỗ trợ tài chính từ phương Tây. Đó là chưa kể, nếu Afghanistan không chọn được người lãnh đạo xứng đáng và gia tăng bất đồng nội bộ thì kẻ được lợi nhiều nhất sẽ lại là Taliban.      

Tại phiên điều trần Quốc hội Mỹ, Tướng John Campbell, Tổng chỉ huy Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) ở Afghanistan cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của tiến trình chuyển giao quyền lực hòa bình đối với vai trò của NATO tại Afghanistan sau năm 2014.

“Nếu Afghanistan không thông qua được tiến trình bầu cử này và chứng tỏ được với người dân và cộng đồng quốc tế rằng họ đang thực hiện tiến trình chuyển giao quyền lực chính trị hòa bình thì từ nay lực lượng liên minh sẽ không thể tiếp tục ở lại để giúp nước này được. Và điều này sẽ làm gia tăng nguy cơ đổ vỡ tại Afghanistan”, ông Campbell nhấn mạnh.

 Những cáo buộc về gian lận trong cuộc bầu cử ngày 14/6 đang làm gia tăng bất đồng và gây lo ngại về tình trạng bất ổn và bạo lực sắc tộc, thậm chí có thể đẩy Afghanistan vào một cuộc nội chiến như thời kỳ 1992-1996.

Giới phân tích cho rằng, đã gian lận thì kết quả bầu cử không thể công bằng và như thế không thể giải quyết ổn thỏa được mọi vấn đề của đất nước, vốn chủ định giải quyết bằng bầu cử. Cái lợi từ bầu cử đâu chưa thấy đã thấy cái hại từ đó.

Một khi việc thắng cử bị nghi ngờ thì tân Tổng thống Afghanistan sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc hàn gắn rạn nứt và bất đồng nội bộ tại nước này./.