Trong thông báo đăng tải trên trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Pháp ngày 12/2, Bộ Ngoại giao Pháp khuyến cáo công dân nước này đang có mặt tại Ukraine cần điều chỉnh các kế hoạch di chuyển, tránh tối đa việc đi đến các vùng miền Bắc và miền Đông Ukraine, tức khu vực biên giới giữa Ukraine với các nước Belarus và Nga, đồng thời cũng là khu vực mà các cơ quan tình báo phương Tây cho rằng Nga đang tập trung hơn 100.000 quân cùng vũ khí hạng nặng để chuẩn bị tấn công Ukraine.
Bộ Ngoại giao Pháp cũng cảnh báo các công dân Pháp không nên tới Ukraine vào thời điểm này nếu không có việc cấp thiết. Tuy nhiên Pháp không kêu gọi các công dân Pháp lập tức rời khỏi Ukraine.
Khác với Pháp, Bộ Ngoại giao Đức chiều ngày 12/02 kêu gọi công dân Đức nên lập tức rời Ukraine, đồng thời cho biết sẽ đóng cửa Lãnh sự quán Đức tại thành phố Donetsk, thủ phủ vùng Donbass, nơi từ nhiều năm qua đang nằm trong tay lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine.
Ngoại trưởng Đức, bà Annalena Baerbock nhận định, khủng hoảng Ukraine đang leo thang trầm trọng: “Tình hình tại châu Âu hiện đang trầm trọng nên chúng tôi cần tiếp tục nỗ lực hết sức để tìm một giải pháp ngoại giao. Vì thế, Thủ tướng Đức sẽ đến Kiev và Moscow vào đầu tuần tới. Về an ninh tại Ukraine, chúng tôi đã quyết định tăng cường thêm các biện pháp ngăn ngừa khủng hoảng. Chúng tôi vẫn sẽ mở cửa Đại sứ quán Đức tại Kiev nhưng sẽ cắt giảm số nhân viên ngoại giao tại đây”.
Ngoài Pháp, Đức, một loạt các quốc gia châu Âu khác như Bỉ, Italy, Luxemburg, Hà Lan cũng đã đưa ra các cảnh báo tới công dân nước mình đang sống tại Ukraine với các cấp độ khác nhau. Hãng hàng không Hà Lan, KLM tuyên bố tạm ngưng mọi chuyến bay đến Ukraine cho đến khi có thông báo mới, do đánh giá tình hình hiện nay quá nguy hiểm.
Trong khi đó, trong chiều 12/2, các chuyến bay thương mại đầu tiên chở các công dân Anh di tản khỏi Ukraine đã hạ cánh xuống Anh, 1 ngày sau khi Bộ Ngoại giao Anh phát cảnh báo đỏ, yêu cầu công dân nước này lập tức rời Ukraine trong khi vẫn còn có các chuyến bay thương mại hoặc biên giới Ukraine-Ba Lan chưa đóng. Bên cạnh việc kêu gọi công dân di tản, chính quyền Anh ngày 12/2 cũng cho biết sẽ rút các cố vấn quân sự Anh đang có mặt tại Ukraine về nước.
Về phần mình, trong thông cáo phát đi chiều ngày 12/2, Liên minh châu Âu cho biết vẫn sẽ duy trì phái bộ ngoại giao châu Âu ở thủ đô Kiev của Ukraine nhưng yêu cầu những nhân sự không trọng yếu rời Ukraine và tạm thời chuyển đến làm việc từ xa tại các quốc gia châu Âu lân cận.
Các cảnh báo liên tiếp từ các nước châu Âu được đưa ra trong bối cảnh các nỗ lực ngoại giao nhằm hạ nhiệt căng thẳng Nga-Ukraine vẫn đang bế tắc. Trong ngày 12/2, một loạt lãnh đạo phương Tây tiếp tục có các cuộc điện đàm với Tổng thống Nga, Vladimir Putin, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Sergei Shoigu nhằm thuyết phục và cảnh báo Nga không tấn công Ukraine.
Trong cuộc điện đàm kéo dài hơn 90 phút giữa Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron và Tổng thống Nga, Vladimir Putin, Tổng thống Pháp tuyên bố rằng các đối thoại thực chất mà phía Nga nhận định không tương thích với các hành động leo thang trong những ngày qua, đồng thời đề xuất với phía Nga các bước tiếp theo nhằm thực thi thỏa thuận Minsk.
Thông cáo do Phủ Tổng thống Pháp phát đi cũng cho biết, trong cuộc điện đàm với ông Macron, Tổng thống Nga Vladimir Putin không đề cập bất cứ chi tiết nào cho thấy phía Nga đang chuẩn bị tấn công Ukraine. Đây là cuộc trao đổi thứ hai giữa Tổng thống Pháp Macron với Tổng thống Nga Putin trong tuần qua, sau lần gặp mặt trực tiếp hôm 7/2 tại Moscow./.