Ngày 10/1, một trong những ngày đẫm máu nhất tại Pakistan trong nhiều năm nay khi có ít nhất 115 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương trong các vụ đánh bom xảy ra tại một số điểm nóng bạo lực ở nước này. Hầu hết các vụ tấn công đều xuất phát từ những mâu thuẫn giáo phái. 

danh-bom-o-pakistan.jpg
Các vụ bạo lực đẫm máu xảy ra vào ngày 10/1, đã đẩy Pakistan chìm sâu hơn vào bất ổn . (ảnh: AP)

Vụ tấn công đã cho thấy những khó khăn nảy sinh từ mâu thuẫn nội bộ của Pakistan đang ngày một gia tăng, mà có thể gây mất ổn định tại nước này trước thềm cuộc bầu cử dự kiến sẽ diễn ra trong vài tháng tới.

Vụ tấn công kinh hoàng nhất xảy ra tại thành phố Quetta, Tây Nam (Pakistan), khi 2 vụ đánh bom liên tiếp chỉ trong vài phút tại một khu phố có đông người Hồi giáo Shiite sinh sống, khiến ít nhất 81 người chết và hơn 170 người bị thương.

Một kẻ đánh bom liều chết đã kích hoạt chất nổ bên trong phòng bi-a, khoảng 10 phút sau một tên khác đã cho nổ tung một chiếc xe bên ngoài câu lạc bộ này, khi các nhân viên cảnh sát và các nhà báo tới hiện trường. Một số cảnh sát đã thiệt mạng trong vụ tấn công này.

Một nhân chứng cho biết: “Sau khi vụ nổ đầu tiên xảy ra, mọi người đổ xô tới hiện trường, trong đó bao gồm cả các nhà báo, cảnh sát và các nhân viên cứu hộ. Các nhân viên cứu hộ đang đưa người bị thương ra ngoài, đột nhiên một quả bom khác lại phát nổ. Mọi người chạy toán loạn, nhiều người bị thương kêu khóc và nằm dưới sàn nhà”.

Mặc dù, Quetta vẫn được coi là một điểm nóng của tình trạng tấn công phe phái và bạo lực sắc tộc, song cộng đồng thiểu số người Hồi giáo Shiite Hazara cho biết, đây là vụ tấn công sắc tộc nghiêm trọng nhất xảy ra tại thành phố này kể từ khi họ bắt đầu sinh sống tại đây 14 năm trước.

Lashkar-e-Jhangvi, nhóm chiến binh cực đoan Hồi giáo Sunni, có liên hệ với chân rết của Taliban tại Pakistan, đã tuyên bố nhận trách nhiệm vụ tấn công này. Từ nhiều năm nay, hầu hết các vụ tấn công sắc tộc chống lại người Shiite đều do nhóm này gây ra.

Tổng thống Pakistan Ali Zardari và Thủ tướng nước này Raja Ashraf tuyên bố cực lực lên án các vụ tấn công. Trong khi đó, các nhà hoạt động nhân quyền và nhiều người dân Pakistan đã chỉ trích cảnh sát và các lực lượng an ninh đã không tăng cường bảo vệ cộng đồng người Hồi giáo dòng Shiite,vốn chiếm 20% dân số nước này, dẫn tới bạo lực sắc tộc ngày càng leo thang.

Một cư dân thành phố Quetta cho biết: “Chính phủ không ở đây. Các vụ đánh bom xảy ra rất thường xuyên và chính phủ đã không thể bảo vệ được chúng tôi. Chúng tôi đang trở thành mục tiêu của các vụ đánh bom này”.

Trong khi đó, nhóm thiểu số ly khai Baluch, một lực lượng chống đối ít được biết tới tại phía Tây Nam Pakistan đã tuyên bố nhận trách nhiệm về một vụ tấn công khác xảy ra trước đó cùng ngày, nhằm vào các binh sĩ quân đội tại một khu thương mại ở thành phố Quetta, khiến 12 người thiệt mạng. Một quả bom khác cũng đã phát nổ tại một trường tôn giáo ở thung lũng Swat, phía Tây Bắc Pakistan giết chết ít nhất 22 người và làm bị thương 60 người khác. Vụ việc được cho là do Taliban thực hiện.

Các vụ bạo lực đẫm máu xảy ra vào ngày 10/1, đã đẩy Pakistan chìm sâu hơn vào bất ổn trong bối cảnh nước này đang chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử dự kiến sẽ diễn ra trước tháng 6/2012. Nhiều người dân Pakistan thậm chí còn lo ngại rằng, nước này sẽ không thể tổ chức các cuộc bầu cử theo dự kiến trong tình trạng bất ổn này./.