Thông tin từ phía Nga cho biết, đoàn thanh sát vũ khí hóa học của Liên Hợp Quốc sẽ quay trở lại Syria vào ngày 25/9 để tiếp tục điều tra.

Trước đó, các chuyên gia của Liên Hợp Quốc đã được cử đến Syria để điều tra về một số trường hợp bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria nhưng công việc của họ đã bị gián đoạn do vụ tấn công hôm 21/8 ở ngoại ô Damascus làm hơn 1.400 người thiệt mạng.

thanh-sat-vien-lhq-1.jpg
Các thanh sát viên Liên Hợp Quốc tiến hành điều tra về vũ khí hóa học ở Syria (Ảnh: Reuters)

Các thanh sát viên sau đó đã chuyển hướng điều tra tập trung vào vụ 21/8 mà không điều tra về các vụ tấn công khác có cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học. Lần quay trở lại Syria này, các thanh sát viên sẽ hoàn thành sứ mệnh ban đầu của họ.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov phát biểu trước Quốc hội cho biết, “chúng tôi rất hài lòng vì những nỗ lực kêu gọi đưa các thanh sát viên quay trở lại Syria cuối cùng cũng đã có kết quả”.

Phía Nga cũng đã lên tiếng chỉ trích một bản báo cáo của phương Tây vừa được trình bày tại Liên Hợp Quốc tuần trước, bản báo cáo này đổ lỗi cho Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad là thủ phạm sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc nội chiến.

Moscow cho rằng, những bằng chứng này là không thuyết phục và lập luận rằng, việc đánh giá tình hình toàn diện hơn sẽ chứng minh là quân nổi dậy mới chính là thủ phạm thực hiện các vụ tấn công có sử dụng vũ khí hóa học.

Ông Ryabkov nói: “Chúng tôi đã đi đến 1 thỏa thuận về vũ khí hóa học, nhưng họ (Mỹ) vẫn tìm cách để đổ lỗi cho Chính quyền Syria là thủ phạm mà không cung cấp bằng chứng có tính thuyết phục. Họ liên tục đòi lên kế hoạch để trừng phạt Damascus trong đó bỏ ngỏ khả năng can thiệp quân sự vào Syria”.

Cho đến nay, Washington và các đồng minh vẫn đang thúc giục Hội đồng Bảo an thông qua một nghị quyết sẵn sàng áp dụng chương 7 của Hiến chương Liên Hợp Quốc để có thể can thiệp quân sự vào Syria nếu như nước này không nghiêm túc thực hiện việc phá hủy kho vũ khí hóa học dự trữ.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov giải thích: “Chương 7 chỉ có thể được đề cập như là 1 phần của tập hợp nhiều biện pháp được thực hiện để trừng phạt trong trường hợp các quyết định của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) bị cản trở”.

Ông Ryabkov cho rằng, chắc chắn Chính phủ của ông Assad sẽ thực hiện tốt cam kết giải giáp kho vũ khí hóa học để tránh bị tấn công. Do đó, không có lý do gì để Mỹ thúc giục Hội đồng Bảo an thông qua nghị quyết bỏ ngỏ khả năng can thiệp quân sự vào Syria./.