Hội nghị giải trừ quân bị do Liên Hợp Quốc bảo trợ diễn ra ở thành phố Geneva, Thụy Sĩ hôm 21/1 tiếp tục chứng kiến màn tranh cãi gay gắt giữa Nga và Mỹ liên quan tới Hiệp ước các Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).

dsm_xego.jpg
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Robert Wood. Ảnh: Reuters.

Tại cuộc họp, Đại sứ Mỹ Robert Wood kêu gọi Nga phá hủy hệ thống tên lửa hành trình mà theo nước này là “tiếp tục vi phạm và vi phạm trực tiếp” Hiệp ước các Lực lượng hạt nhân tầm trung, đồng thời cáo buộc Nga gây bất ổn an ninh toàn cầu.

Chính phủ Mỹ hồi tuần trước đã khước từ đề nghị của Nga cứu vãn văn kiện được ký từ thời Chiến tranh Lạnh và được coi là mang tính bước ngoặt nhằm bảo vệ châu Âu khỏi tầm bắn của các loại tên lửa hạt nhân phóng từ mặt đất. Theo Đại sứ Robert Wood, Nga đã thử nghiệm một “tên lửa SSC-8 bất hợp pháp mới và không có bước đi cụ thể nào để cho thấy nước này tuân thủ trở lại Hiệp ước Các Lực lượng hạt nhân tầm trung.

Ông Wood một lần nữa nhắc lại kế hoạch của Mỹ rút khỏi hiệp ước nào vào đầu tháng 2/2019: “Thật tiếc là Mỹ ngày càng cảm thấy khó có thể tin tưởng Nga trong việc tuân thủ các nghĩa vụ đối với việc kiểm soát vũ khí và rằng các hành động của họ trên toàn cầu đã làm gia tăng căng thẳng. Những chính sách và hành vi của Nga cho thấy đây không phải là một nhà nước có trách nhiệm”, Đại sứ Robert Wood nói.

Trong một phản ứng khá mạnh mẽ, Phó Đại diện thường trực Nga về các vấn đề giải trừ quân bị Alexander Deyneko tuyên bố, Nga sẽ không nhượng bộ trước bất kỳ tối hậu thư nào muốn loại bỏ tất cả các tên lửa, dù không nằm trong phạm vi cấm của Hiệp ước Các Lực lượng hạt nhân tầm trung.

“Đưa ra những cáo buộc một chiều không phải là một cách làm mang tính xây dựng. Trong hệ thống của chúng ta, chúng ta không chỉ được dạy cách đưa ra những chỉ trích, mà còn cả việc trao đổi các đề xuất, ý kiến trái chiều. Nga sẽ không nhượng bộ trước bất kỳ tối hậu thư nào buộc chúng tôi phải loại bỏ những tên lửa không nằm trong phạm vi cấm của hiệp ước”, ông Alexander Deyneko nói.

Đến nay, Nga vẫn luôn khẳng định nước này tuân thủ Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung và Mỹ mới là bên vi phạm. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, việc Mỹ rút khỏi văn kiện sẽ đe dọa số phận của Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START-3), văn kiện cuối cùng trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí.

Hiệp ước Các Lực lượng hạt nhân tầm trung được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký năm 1987 và chính thức có liệu từ giữa năm 1988. Theo Hiệp ước, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500- 5.500 km).

Quyết định rút khỏi văn kiện của Mỹ hồi cuối năm ngoái không chỉ khiến Nga, mà cả các đồng minh châu Âu và trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Mỹ lo ngại. Dự kiến, đây sẽ là một phần trong chương trình nghị sự của cuộc họp Hội đồng NATO- Nga vào ngày 25/1 tới./.