Ông Kozak cho biết, Nga và Mỹ nhất trí tiếp tục tham vấn về giải quyết tình hình ở miền Đông Ukraine, có tính đến sự trùng hợp của cách tiếp cận về cơ chế đặc biệt của Donbass.
Sau cuộc gặp với thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland, Phó Chánh văn phòng Tổng thống Nga Dmitry Kozak cho biết, "trong cuộc hội đàm, lập trường của Mỹ nêu lên tại Geneva được khẳng định rằng, nếu không đồng ý về các tham số tương lai của quyền tự trị hay nói cách khác, quy chế đặc biệt của Donbass như một phần của Ukraine, thì khó có thể đạt được tiến bộ đáng kể trong việc giải quyết xung đột.”
Tính đến sự trùng hợp của các cách tiếp cận đối với quan điểm mang tính nguyên tắc này, Nga và Mỹ đã đồng ý tiếp tục tham vấn lẫn nhau. Theo ông, một cuộc đối thoại kỹ lưỡng và mang tính xây dựng đã được tổ chức với phía Mỹ về việc giải quyết xung đột ở Đông nam Ukraine. Mỹ xác nhận rằng các thỏa thuận Minsk vẫn là cơ sở duy nhất để giải quyết.
Việc giải quyết hòa bình xung đột ở Donbass dựa trên cái gọi là các thỏa thuận Minsk, không chỉ bao hàm việc ngừng bắn, rút vũ khí, ân xá, khôi phục quan hệ kinh tế, mà còn là một cuộc cải cách hiến pháp sâu sắc ở Ukraine, kết quả của việc đó nên là sự phân cấp quyền lực, có tính đến việc trao cơ chế đặc biệt cho các quận riêng lẻ của các vùng Donetsk và Lugansk. Tuy nhiên, cho đến nay, kế hoạch này vẫn chưa được Ukraine thực hiện.
Trước đó, ngày 12/10, Bộ Ngoại giao Nga đã tổ chức cuộc hội đàm giữa thứ trưởng ngoại giao Mỹ Victoria Nuland và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov, kéo dài hơn một giờ rưỡi. Sau cuộc gặp, ông Ryabkov lưu ý rằng, cuộc đối thoại là "cực kỳ thẳng thắn" và hữu ích. Đặc biệt, các bên đã đề cập đến “các vấn đề mang tính chất song phương”. Nhưng cuộc thảo luận của họ không dẫn đến nhiều tiến triển trong vấn đề cấp thị thực, khôi phục số lượng nhân sự trong các sứ quán, cũng như công việc của các cơ quan đại diện nước ngoài ở hai nước.
Đánh giá về chuyến thăm của thứ trưởng ngoại giao Mỹ Victoria Nuland, thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho rằng, những cuộc tiếp xúc như vậy giữa Nga và Mỹ là cần thiết và kịp thời. Ông đề nghị, “không nên phàn nàn” vì không đạt được đột phá nào. Bản thân bà Victoria Nuland cũng đánh giá các cuộc tiếp xúc với phía Nga mang tính xây dựng, cho biết, Mỹ vẫn cam kết hướng tới một mối quan hệ ổn định và có thể đoán trước được.
Bà Nuland cùng phái đoàn đã đến Nga trong chuyến thăm 3 ngày, từ 11-13/10 nhằm duy trì đối thoại song phương. Chuyến thăm Nga của bà là sáng kiến của phía Mỹ. Do nhà ngoại giao này nằm trong danh sách cấm nhập cảnh từ năm 2019 của Nga, Mỹ đã phải dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với một số công dân Nga để bà được phép đến Moscow./.