Ngày 23/12, năm nước này đã ký thông qua việc thành lập Liên minh này. 

Theo AP, bên cạnh việc mở rộng tự do thương mại giữa 5 nước thành viên, Liên minh Kinh tế Á-Âu còn giúp điều phối hệ thống tài chính của các nước này cũng như sẽ vạch ra các chính sách về công nghiệp, nông nghiệp, thị trường lao động và mạng lưới giao thông vận tải cho toàn khối. 

lien_minh_bnes.jpgLãnh đạo các nước Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan họp bàn về việc thành lập Liên minh tại Điện Kremlin (Nga), ngày 23/12 (Ảnh AP)

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, Liên minh mới sẽ tạo ra một nền kinh tế có tổng trị giá là 4.500 tỷ USD với tổng dân số là 170 triệu người. 

“Việc tham gia vào Liên minh Kinh tế Á- Âu sẽ đem lại lợi ích cho từng quốc gia thành viên cũng như lợi ích cho toàn khối”, ông Putin khẳng định. 

Tuy nhiên, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cũng đã lên tiếng cáo buộc Nga đang hủy hoại nền kinh tế của nước này thông qua việc giới hạn nhập khẩu hàng hóa của Belarus sang Nga. 

Belarus đã được hưởng lợi rất nhiều từ lệnh cấm nhập khẩu hàng hóa của châu Âu vào Nga bằng việc nhập thực phẩm của phương Tây từ các nước EU và sau đó bán lại cho Nga. 

Để hạn chế việc này, các quan chức Nga đã ra lệnh cấm nhập khẩu thịt và sữa của Belarus vì lý do an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như cấm các loại thực phẩm của Belarus được vận chuyển qua Nga để bán sang Kazakhstan vì nghi ngờ rằng các loại thực phẩm này cuối cùng lại được bày bán tại Nga. 

Tổng thống Lukashenko nhấn mạnh: “Lệnh cấm vận chuyển này vi phạm mọi quy định quốc tế và được Nga tiến hành đơn phương mà không tham vấn bất kỳ bên nào”./.