Chính phủ lâm thời Ukraine đang nỗ lực ổn định tình hình đất nước tại khu vực miền đông nước này, với cam kết tăng quyền hạn cho chính quyền tại đây. Nga hôm qua (11/3) cũng xoa dịu lo ngại của phương Tây liên quan đến việc cắt nguồn cung khí đốt, đồng thời khẳng định không có kế hoạch sáp nhập bất cứ khu vực nào tại phía đông Ukraine vào nước này. Mặc dù vậy, Mỹ và một số nước phương Tây tiếp tục đưa ra các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga- bước đi có thể khiến tình hình gia tăng căng thẳng.
Liên minh Mỹ - Anh phản đối Nga (ảnh: wn.com) |
Thủ tướng cũng bày tỏ hi vọng giải quyết những vấn đề trong nước thông qua một giải pháp hòa bình: “Chính phủ trung ương sẵn sàng mở cửa không chỉ đối thoại với các khu vực mà còn thực hiện tất cả các mong muốn của người dân theo luật. Trong khuôn khổ sửa đổi hiến pháp, chúng tôi sẽ tạo cơ hội để đưa ra các giải pháp đặc biệt và cần thiết cho mỗi khu vực”.
Mặc dù vậy, Thủ tướng không nêu rõ tăng những quyền gì và liệu có giúp xoa dịu người biểu tình phản đối chính quyền trung ương hay không, khi tham dự cuộc họp hôm qua chủ yếu là các quan chức địa phương mà không có đại diện những người biểu tình đang chiếm đóng các tòa nhà chính phủ tại một số thành phố.
Tình hình tại miền Đông Ukraine trong thời gian vừa qua diễn biến phức tạp khi những người biểu tình đòi tiến hành trưng cầu ý dân về việc sáp nhập vào Liên bang Nga. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov hôm qua (11/4) phủ nhận sự liên quan của Nga trong những sự kiện gần đây tại khu vực phía Đông Ukraine. Ông Lavrov khẳng định, Nga không có mong muốn sáp nhập bất cứ khu vực phía đông nào của Ukraine, điều này trái với lợi ích cơ bản của Nga. Tuy nhiên Bộ Ngoại giao Nga cũng cảnh báo chính phủ Ukraine không được dùng vũ lực nhằm vào người biểu tình, và cho rằng những hành động đó đi trệch các cuộc đối thoại để giải quyết cuộc khủng hoảng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua (11/4) cũng xoa dịu lo ngại của phương Tây liên quan đến việc cắt nguồn cung khí đốt. Tổng thống Putin nhấn mạnh, Nga không có ý định hay kế hoạch đóng đường ống khí đốt cho Ukraine. Nga đảm bảo thực hiện tất cả các nghĩa vụ đối với khách hàng châu Âu.
Bất chấp những động thái nhằm ổn định tình hình sau cuộc khủng hoảng Ukraine, Mỹ hôm qua (11/4) tiếp tục công bố danh sách những biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào 6 nhà lãnh đạo của Crimea, trong đó có quan chức ký thỏa thuận sáp nhập khu vực này với Nga và một cựu quan chức của Ukraine. Đây là lần thứ ba Nhà Trắng đưa ra quyết định áp lệnh trừng phạt đối với cá nhân và thực thể liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine.
Phát biểu khi tham dự cuộc họp của nhóm G7 hôm qua (11/4) tại Washington, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew cảnh báo, các nước trong nhóm sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt xa hơn nhằm vào Nga nếu tình hình leo thang căng thẳng: “Tại cuộc gặp với các Bộ trưởng Tài chính nhóm G7 cùng Bộ trưởng Tài chính Nga, tôi nhấn mạnh rằng, Mỹ sẽ tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga sau khi Crimea sáp nhập vào nước này. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị đầy đủ cho việc áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung và nghiêm khắc nhằm vào Nga nếu tình hình leo thang căng thẳng. Tôi nhấn mạnh rằng có sự thống nhất mạnh mẽ trong nước G7 trong các biện pháp nhằm vào Nga”.
Các biện pháp cũng như cảnh báo trừng phạt được lặp đi lặp lại trong thời gian gần đây liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa khi mối quan hệ lợi ích đan xen giữa các nước, đặc biệt những nước được cho là cường quốc thế giới thì nó không chỉ tác động đối với chính các nước đưa ra biện pháp trừng phạt cũng như bị áp đặt trừng phạt, mà còn ảnh hưởng đến cục diện chính trị kinh tế toàn cầu. Do đó, giải pháp ngoại giao vẫn đang được ưu tiên hơn cả. Dự kiến đại diện của Nga, Ukraine, Mỹ , Liên minh châu Âu sẽ có cuộc họp vào ngày 17/4 tới tại Geneva để tìm ra một lối thoát cho cuộc khủng hoảng./.