“Các lực lượng của Hạm đội Biển Đen đã và đang theo dõi chặt chẽ mọi hoạt động của tàu khu trục Mỹ USS Ross. Tàu này đi vào Biển Đen ngày 26/6”, tuyên bố của Trung tâm quản lý điều hành quốc phòng thuộc Bộ quốc phòng Nga cho biết.

Trước đó, Hạm đội 6 Hải quân Mỹ đăng tải thông tin, tàu khu trục USS Ross đi vào Biển Đen ngày 26/6 và sẽ tham gia cuộc tập trận quân sự đa phương Gió Biển (Sea Breeze 2021) cùng 31 tàu hải quân của các nước khác tại vùng biển này.

Trước đó, đầu tuần này, Đại sứ quán Mỹ tại Nga thông báo 32 nước trong đó có Mỹ sẽ tham gia vào các cuộc tập trận ở Biển Đen. Dự kiến có khoảng 5.000 quân nhân, 32 tàu hải quân và 40 máy bay tham gia cuộc tập trận.

Đại sứ quán Nga tại Washington sau đó đã thúc giục Mỹ và các đồng minh không tiến hành các hoạt động quân sự ở Biển Đen. Phái bộ ngoại giao Nga tại Mỹ cũng cảnh báo các hoạt động như vậy sẽ “làm gia tăng nguy cơ về các sự việc ngoài ý muốn”.

Tàu khu trục Mỹ đi vào Biển Đen chỉ vài ngày sau vụ Nga bắn và ném bom cảnh cáo tàu khu trục Hải quân Hoàng gia Anh HMS Defender ở Biển Đen. Nga cho rằng con tàu đã di chuyển khoảng 3 km trong vùng biển gần Mũi Fiolent, phía Nam bán đảo Crimea, gần cảng Sevastopol, nơi đặt trụ sở Hạm đội Biển Đen của Nga. Nga sáp nhập Crimea năm 2014 và coi các khu vực xung quanh bờ biển bán đảo là vùng biển của nước này, trong khi các nước phương Tây coi đó là một phần lãnh thổ của Ukraine.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko ngày 24/6 cánh báo, các cuộc tập trận này cũng với những tranh cãi xung quanh vụ việc của tàu HMS Defender có thể là nguồn cơn dẫn tới “một cuộc xung đột thực sự” giữa Nga với các nước NATO.

“Tình hình đang rất căng thẳng cho dù tất cả các bên đều rất thận trọng. Không loại trừ khả năng xảy ra các sự việc ngoài ý muốn và điều đó có thể dẫn tới một cuộc xung đột thực sự”, ông Grushko phát biểu tại một Hội nghị an ninh quốc tế tại Moscow ngày 24/6./.