Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Đại tướng Sergei Shoigu ngày 29/4 đã chỉ thị nối lại hoạt động chế tạo máy bay ném bom siêu âm chiến lược Tu-160, nhằm khai thác hết khả năng hủy diệt của oanh tạc cơ được cho là lớn và mạnh mẽ nhất lịch sử hàng không quân sự thế giới.

thien_nga_trang_cua_nga_tsxx.jpg
Tu-160 thường được gọi là “Thiên nga Trắng”, có khả năng thay đổi cấu hình cánh và là máy bay chiến đấu có trọng lượng nặng nhất trên thế giới, có khả năng mang lượng bom lớn nhất trong số các máy bay ném bom.

Phát biểu khi đi thăm Nhà máy chế tạo máy bay Kazan mang tên Gorbunov (KAZ) hôm 29/4, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói: "Ngày hôm nay cần có quyết định về nhiệm vụ không chỉ bảo dưỡng và hiện đại hóa phi đội máy bay tầm xa, mà cả việc nối lại chế tạo máy bay mang tên lửa Tu-160."

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Tu-160 là "cỗ máy đặc biệt đi trước thời đại nhiều thập kỷ và cho tới nay vẫn chưa khai thác hết các khả năng của nó".

Tu-160 được giới quân sự phương Tây mệnh danh là "chiếc dùi cui". Đây là mẫu chiến đấu cơ đa năng, được thiết kế để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau.

Sức mạnh của Tu-160 được thể hiện trong 2 khoang chứa vũ khí khổng lồ có thể mang các loại tên lửa hành trình chiến lược, tên lửa có hướng dẫn tầm ngắn, bom hạt nhân, bom thông thường, địa lôi và thủy lôi, với tổng trọng lượng tối đa 40 tấn.

Máy bay ném bom hạng nặng này có khả năng thực hiện các chiến dịch tầm xa vì nó có thể tiếp nhận dầu trên không bằng loại máy bay chuyên dụng do Nga chế tạo IL-78 hay ZMS-2.

Hãng Tupolev đã bắt đầu thiết kế mẫu máy bay này từ năm 1975 dưới sự lãnh đạo của V.I. Bliznuk. Ngày 19/12/1981 TU-160 tiến hành chuyến bay thử nghiệm đầu tiên.

Năm 1985, Liên Xô quyết định cho sản xuất hàng loạt khoảng 100 chiếc TU-160, nhưng rút cục chỉ có 30 chiếc ra đời trước khi dây chuyền sản xuất nhận lệnh đóng cửa vào năm 1992.

Theo nhiều chuyên gia về vũ khí, so với chiếc máy bay ném bom khét tiếng B-1A của Mỹ, Tu-160 của Nga có kích thước lớn hơn nhiều và có một số tính năng vượt trội./.