Các nỗ lực ngoại giao quốc tế đang được thúc đẩy nhằm tìm giải pháp cho khủng hoảng Syria cũng như cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS).
Triển vọng để tìm ra cơ hội giải quyết cuộc khủng hoảng Syria đang đến gần, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua cho biết có nhiều dấu hiệu cho thấy Mỹ để ngỏ khả năng đối thoại về các hoạt động quân sự phối hợp tại Syria.
Tổng thống Syria al Assad đến Nga và có cuộc gặp với Tổng thống Putin hôm 20/10. (ảnh: Reuters) |
Tổng thống Putin cho biết, Mỹ đã đưa ra những dấu hiệu cho thấy sẵng sàng tổ chức các cuộc thảo luận về những cuộc không kích quân sự chung tại Syria và sự hợp tác này có thể hướng đến một thỏa thuận chính trị.
Quân đội Nga và Mỹ gần đây nhất trí một biên bản ghi nhớ chung về các biện pháp để tránh đụng độ trên bầu trời Syria, nhưng Mỹ đã bác bỏ sự hợp tác quân sự xa hơn với Nga. Phát biểu tại Moscow hôm qua, ông Putin cho biết, Mỹ sau đó lại để ngỏ khả năng tổ chức đối thoại về các cuộc không kích chung tại Syria. Nga và phương Tây cũng đang tiến gần hơn đến việc chia sẻ thông tin về các nhóm vũ trang tại Syria.
Ông Putin nói: “Trong khuôn khổ chiến dịch chống khủng bố, dần dần chứ không nhanh như chúng ta mong muốn, một số cuộc tiếp xúc giữa quân đội các bên đang được thiết lập. Đây là một bước đi quan trọng hướng đến việc nhất trí một văn kiện điều chỉnh các chuyển bay của máy bay Nga và Mỹ tại Syria. Chúng tôi đang tiến gần hơn đến việc nhất trí với các nước phương Tây, trao đổi thông tin về vị trí cũng như hoạt động của nhóm vũ trang tại Syria. Đây là những bước đi đang đúng hướng”.
Sau hơn một năm tiến hành không kích IS tại Iraq và Syria, chiến dịch của liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu vẫn chưa có hiệu quả. Việc Nga tuyên bố can thiệp quân sự vào Syria vào tháng 9 vừa qua đã làm dấy lên mối lo ngại từ Mỹ và các đồng minh. Tuy nhiên, với gần 2 tháng thực hiện chiến dịch, Tổng thống Putin thực sự đang nổi lên là một nhà đứng đầu cho những nỗ lực hòa giải ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Syria.
Ngoại trưởng Nga Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm nay có cuộc gặp tại Viena (Áo) cùng người đồng cấp Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria. Tổng thống Syria al-Assad cũng vừa có chuyến thăm bất ngờ tới Nga, cho thấy vai trò trung tâm của nước này trong cuộc xung đột Syria. Chính vì vậy, nhiều nước cho rằng sự phối hợp Nga-Mỹ là cơ hội để tìm ra một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria.
Ngoại trưởng Đức Frank Walter Steinmeirer nhấn mạnh: “Sự tăng cường hiện diện quân sự của Nga có thể khiến tình hình phức tạp hơn. Tuy nhiên chúng ta cũng phải nhận thức một điều rằng để có một giải pháp chính trị cuối cùng cho cuộc xung đột Syria phụ thuộc nhiều vào việc liệu Nga và Mỹ có tìm cách thu hẹp được bất đồng cùng nhau hay không”.
Cơ hội để tìm ra một giải pháp chính trị đang đến gần hơn khi Tổng thống al-Assad trong chuyến thăm Nga tuyên bố sẵn sàng đối thoại với các nhóm vũ trang đối lập Syria, nếu lực lượng này cam kết tuân theo đàm phán và đối phó với IS. Ông Putin cũng cho rằng, vấn đề cơ bản của cuộc xung đột Syria không chỉ là nhóm vũ trang IS mà còn là sự căng thẳng nội bộ trong nước.
Chỉ người dân Syria mới có quyền quyết định người đứng đầu đất nước thông qua các cuộc bầu cử minh bạch, chứ không phải các thế lực bên ngoài. Một số nhà quan sát bày tỏ tin tưởng rằng, Tổng thống Nga có thể sử dụng ảnh hưởng của mình để thuyết phục ông al-Assad nhượng bộ với nhóm đối lập, phá thế bế tắc trong tiến trình hòa bình đã bị đình trệ nhiều năm qua.
Không chỉ mang lại uy tín cho nước Nga trên trường quốc tế, các cuộc khảo sát trong nước mới đây của Nga cũng cho thấy, tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Putin tăng lên mức kỉ lục sau chiến dịch không kích của Nga tại Syria, lên gần 90%. Kế hoạch can thiệp quân sự của Nga tại Syria cũng đang đưa Nga và Mỹ ngồi vào bàn đối thoại an ninh, tạo ra triển vọng giúp cải thiện mối quan hệ song phương đang ở mức thấp nhất do cuộc khủng hoảng Ukraine.
Tuy nhiên, Tổng thống Putin cũng nhấn mạnh, để phối hợp chiến dịch quân sự hiệu quả tại Syria, tạo tiền đề thúc đẩy mối quan hệ song phương thì các bên cần coi nhau như những đồng minh trong cuộc chiến với một mục tiêu chung là tiêu diệt IS./.