Lâu nay, Nga luôn ủng hộ giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên bằng giải pháp chính trị và hòa bình. Nga hy vọng, hội nghị Mỹ-Triều lần 2 sẽ thúc đẩy giải quyết các bất đồng, đem lại hòa bình cho bán đảo Triều Tiên, góp phần đảm bảo an ninh và ổn định của khu vực và thế giới. Theo nhận định của chuyên gia Nga, Việt Nam là nước tổ chức hội nghị, có vai trò tích cực trong vấn đề này. Phóng viên Đài TNVN thường trú tại LB Nga đã có cuộc phỏng vấn ông Georgy Toloraya-Giám đốc Trung tâm Chiến lược Nga tại Châu Á-Viện Kinh tế-Viện Hàn lâm Khoa học Nga, chuyên gia hàng đầu của Nga nghiên cứu về Triều Tiên liên quan đến vấn đề này.

20_02_pv_chuyen_gia_nga_vov_rwhg.jpg
Ông Georgy Toloraya, chuyên gia hàng đầu của Nga nghiên cứu về Triều Tiên.

PV:Thưa ông Georgy Toloraya, ông nhận định như thế nào về Hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên sắp diễn ra tại Việt Nam?

Ông Georgy Toloraya: Đây là sự kiện vui mừng đối với người dân Triều Tiên và đối với các nhà nghiên cứu về Triều Tiên, nó diễn ra theo hướng mà Nga kêu gọi từ lâu. Nga luôn đề xuất giải quyết vấn đề của bán đảo Triều Tiên bằng con đường chính trị-hòa bình trên cơ sở song phương. Những yếu tố của quá trình đàm phán song phương giữa Mỹ và Triều Tiên đã có, thật tốt để chúng trở thành hiện thực.

Công tác chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh đang diễn ra và có thể hai bên sẽ đạt được thỏa thuận nào đó, thậm chí có thể đưa ra tuyên bố hòa bình hoặc theo hướng chính thức hóa quan hệ hai nước bằng cách mở Đại sứ quán hoặc một cơ quan ngoại giao tương tự. 

Bởi vậy, Nga hy vọng, Hội nghị Thượng đỉnh lần này không phải là một hoạt động thông thường mang tính hình thức, mà sẽ thúc đẩy đối thoại. Mặc dù đối thoại sẽ kéo dài, khó khăn, không chỉ mất một tháng hay một năm, mà quan trọng là hai bên cần có kiên nhẫn và quyết tâm giải quyết đến cùng.

PV:Vậy Nga có lợi ích gì lên quan đến vấn đề này, thưa ông?

Ông Georgy Toloraya:Nga mong muốn để biên giới phía Đông của Nga có được hòa bình, ổn định, thịnh vượng, trao đổi kinh tế-thương mại. Hiện nay quan hệ giữa Bắc và Nam Triều Tiên đang được cải thiện. Nga đang có những dự án song phương với Triều Tiền, trong đó có các dự án về đường sắt và năng lượng…, mà không có sự ổn định, Triều Tiên xảy ra chiến tranh thì không thể thực hiện được những việc này. Như vậy Nga có lợi ích về mặt kinh tế. Tất nhiên, vấn đề quan trọng nhất là an ninh… Ở đây liên quan đến yếu tố hạt nhân, chúng ta sẽ không thừa nhận Triều Tiên là một quốc gia có vũ khí hạt nhân. Chúng tôi ủng hộ việc tuân thủ cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân, và để Triều Tiên hủy bỏ vũ khí hạt nhân. Điều này sẽ giúp củng cố hòa bình, ổn định trên thế giới, vị thế của Nga. Bởi vậy, trong tiến trình đối thoại về vấn đề Triều Tiên, Nga có những lợi ích cả ở mức độ song phương, khu vực và toàn cầu.

PV:Theo ông, Việt Nam có vai trò như thế nào khi được chọn làm nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên?

Ông Georgy Toloraya:Câu hỏi này được rất nhiều người đặt ra, kể cả người Việt Nam, nơi sẽ tổ chức hội nghị. Những chuyên gia mà tôi quen biết đều đánh giá tích cực về việc Việt Nam được chọn làm địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh lần này. Kinh nghiệm của Việt Nam trong phát triển kinh tế-xã hội đất nước, đường lối đổi mới của Việt Nam sẽ rất hữu ích cho Triều Tiên, mặc dù tất nhiên Triều Tiên sẽ không sao chép, nhưng tôi nghĩ họ quan tâm đến kinh nghiệm này.

Triều Tiên có mối quan hệ hữu nghị truyến thống với Việt Nam kể cả trong thời gian chiến tranh tại Việt Nam và trong giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chủ tịch, nhà sáng lập Triều Tiên Kim Nhật Thành (Kim Il-sung) đã từng đến thăm Việt Nam năm 1958, 1964 và bây giờ là chuyến thăm mới của Nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ làm sâu sắc thêm vị thế của Việt Nam như một nước quan trọng trong khu vực và củng cố quan hệ hai nước.

Việt Nam là hình mẫu của một đất nước đã chiến thắng Mỹ trong cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc nhưng hiện nay đã bình thường hóa quan hệ với Mỹ, bất chấp những vấn đề lịch sử, những mất mát về người và của và quan hệ với Mỹ hiện nay là yếu tố quan trọng trong chính sách đối ngoại củaViệt Nam. Đó là một ví dụ tốt đối với Triều Tiên và cả với Mỹ. Mỹ phải thừa nhận rằng, họ không chiến thắng, không thể bẻ gãy cả Việt Nam, cũng như Triều Tiên. Điều này có nghĩa là cần tìm cách tôn trọng, hợp tác với nhau.  Đây là chủ đề tốt. Và quan trọng nữa, Việt Nam là nước trực tiếp nằm trong khu vực là thành viên của ASEAN. Chúng tôi muốn rằng Việt Nam sẽ có vai trò không chỉ trong việc đổi mới quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên, mà còn góp phần vào việc đổi mới hệ thống an ninh  trong khu vực.

PV:Xin trân trọng cảm ơn ông!./.