Ngày 4/6, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga, Alexander Fomin kêu gọi tất cả các bên liên quan cần nối lại đàm phán trong việc giải quyết tình hình khủng hoảng ở bán đảo Triều Tiên.

Phát biểu tại phiên họp toàn thể Đối thoại Shangri-La lần thứ 16 diễn ra ở Singapore, ông Fomin cho rằng, điều quan trọng là không để cho tình hình trên bán đảo Triều Tiên vượt khỏi tầm kiểm soát.

alexander_fomin_jrvk.jpg
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga, Alexander Fomin bày tỏ lo ngại việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao của Mỹ 

Tất cả các bên cần phải phối hợp, làm việc cùng nhau để tránh làm trầm trọng thêm tình hình, và nối lại đàm phán tích cực, có thể đáp ứng được lợi ích an ninh của tất cả các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, ông Fomin cũng bày tỏ lo ngại việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc.

“Chúng tôi tin rằng, việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối tại khu vực dưới sự bảo trợ của Mỹ không chỉ cản trở việc giải quyết các vấn đề hiện tại trên bán đảo Triều Tiên, mà còn làm trầm trọng thêm vấn đề”, ông Fomin cho hay.

Ông Fomin còn cho rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối tại Hàn Quốc cũng có thể sẽ gây ra một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực và kích động Triều Tiên tấn công các kẻ thù của họ.

Ông cũng nhấn mạnh rằng Nga ủng hộ cách tiếp cận hòa bình, ngoại giao và kinh tế để giải quyết vấn đề liên quan đến hành động của Triều Tiên.

Tình hình trên bán đảo Triều Tiên ngày càng xấu đi trong những tháng gần đây, trong bối cảnh có những lo ngại Mỹ có thể hành động quân sự chống lại Triều Tiên nhằm đối phó với các mối đe doạ hạt nhân và tên lửa Triều Tiên.

Triều Tiên dọa đáp trả điều nước này gọi là sự xâm lược chiến tranh của Mỹ bằng các cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu.

Diễn biến liên quan, hôm nay, Triều Tiên tuyên bố "bác bỏ hoàn toàn" các lệnh trừng phạt mới nhất của Liên Hợp quốc nhằm vào các công dân và thực thể Triều Tiên. Hãng thông tấn Trung ương KCNA của Triều Tiên đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục phát triển chương trình vũ khí của nước này.

Trước đó, ngày 2/6, Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc đã bỏ phiếu công khai về nghị quyết do Mỹ soạn thảo, theo đó mở rộng các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên để phản ứng trước các vụ thử tên lửa liên tiếp của nước này.

Kết quả là toàn bộ 15 nước thành viên Hội đồng bảo an đã nhất trí mở rộng các lệnh trừng phạt để bổ sung 18 cá nhân và thực thể của Triều Tiên vào "danh sách đen" của Liên Hợp quốc.

Nghị quyết mở rộng lệnh trừng phạt được thông qua sau một loạt các vụ thử tên lửa của Triều Tiên trong những tháng gần đây. Những vụ thử thành công cho thấy, Triều Tiên không ngừng tiến bộ trong phát triển các loại tên lửa khác nhau, kể cả tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân có khả năng vươn tới Mỹ.

Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc lần đầu tiên áp đặt lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên vào năm 2006 và với Nghị quyết vừa được thông qua, Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc đã thông qua tổng cộng 7 Nghị quyết để đối phó với các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên./.