Với thỏa thuận này, thị trường Ukraine sẽ rộng cửa cho hàng hóa từ EU. Tuy nhiên, việc tự do hóa thuế theo thỏa thuận liên kết Ukraine-EU sẽ gây thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế Nga.

Chính vì vậy, ngay những ngày cuối cùng của năm 2015, Nga đã tiến hành các biện pháp đối phó khi tạm ngừng thực hiện Hiệp định thương mại tự do với Ukraine kể từ ngày hôm nay và bắt đầu thủ tục kiện Ukraine không trả nợ.

nong_san_teeh.jpg
Nông sản châu Âu sẽ không còn có cơ hội tiếp cận thị trường Nga sau khi EU và Ukraine ký thỏa thuận thương mại tự do buộc Nga phải có biện pháp đáp trả. Ảnh AFP

Hiệp định liên kết giữa Ukraine và EU được Tổng thống Ukraine Poroshenko và lãnh đạo EU ký ngày 27/6/2014 và các điều khoản trong Hiệp định có hiệu lực từ đầu năm 2016.

Thỏa thuận này cho phép hàng hóa của EU tràn vào thị trường Ukraine và phía Ukraine cũng được hưởng lợi khi mở rộng thị trường sang EU.

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Ukraine liên quan đến cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, thỏa thuận này phần nào có thể hỗ trợ cho nền kinh tế của Ukraine trước các biện pháp trừng phạt của Nga.

Trong chuyến thăm Brussels diễn ra vào cuối năm ngoái, Tổng thống Ukraine Poroshenko đã tuyên bố, thỏa thuận giữa Ukraine và EU có hiệu lực đúng như dự kiến và sẽ không có bất kỳ sự trì hoãn nào.

“Ukraine ý thức được những hạn chế và tác động của những biện pháp này đối với nền kinh tế Ukraine. Song chúng tôi sẵn sàng trả giá vì tự do và sự lựa chọn châu Âu của mình”, ông Poroshenko nói.

Tuy nhiên, trên thực tế, Hiệp định thương mại tự do giữa Ukraine và EU là bằng chứng rõ nhất cho thấy quyết tâm hướng Tây của Ukraine và là nguyên nhân dẫn tới những căng thẳng kinh tế, chính trị hiện nay tại Ukraine, cũng như mối bất hòa giữa Nga và phương Tây.

Theo Chính phủ Nga, thỏa thuận thương mại tự do giữa Ukraine và EU khi có hiệu lực sẽ gây ảnh hưởng tới lợi ích và an ninh kinh tế của Nga vì hàng hóa EU có cơ hội tràn vào. Moscow đã tuyên bố sẽ có nhiều biện pháp để bảo vệ nền kinh tế của mình, hạn chế các tác động tiêu cực đến nền kinh tế Nga.

Và trong những ngày cuối cùng của năm 2015, Tổng thống Nga Putin đã ký ban hành đạo luật về việc tạm ngừng thực hiện Hiệp định thương mại tự do với Ukraine từ ngày 1/1/2016.

Theo đạo luật này, Nga sẽ tạm ngừng thực hiện quy chế thương mại ưu đãi với Ukraine, do Ukraine thực tế đã từ bỏ việc phát triển hợp tác kinh tế thương mại trong khuôn khổ Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) và chọn con đường liên kết toàn diện với EU. Các cam kết của Ukraine về liên kết với EU trái ngược với các điều khoản của Hiệp định thương mại tự do với Nga.

Ngay trong đêm 31/12, Bộ Tài chính Nga tuyên bố Ukraine đã không thanh toán khoản vay nước này trị giá hơn 3 tỷ USD và như vậy Ukraine đã rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán đối với số nợ nói trên. Do đó, Bộ Tài chính Nga bắt đầu các thủ tục khởi kiện Ukraine.

Đơn kiện sẽ được nộp lên tòa án Anh. Tuy nhiên, Bộ Tài chính Nga khẳng định vẫn sẽ không từ chối đối thoại xây dựng với Ukraine về giải quyết khoản nợ và sẵn sàng nghiên cứu bất kỳ đề nghị nào từ phía Kiev.

Rõ ràng, mặc dù Thỏa thuận thương mại tự do giữa EU với Ukraine bắt đầu có hiệu lực sẽ giúp Ukraine tiến sâu hơn vào thị trường châu Âu, nhưng một điều dễ nhận thấy là thỏa thuận này sẽ không thể tạo ra liều thuốc thần kỳ để vực dậy nền kinh tế, chính trị Ukraine khi mà nước này cần nhiều thời gian để thích ứng với môi trường mới, sau nhiều năm phụ thuộc vào Nga.

Nga dù từng chứng tỏ khả năng chấp nhận thiệt hại về kinh tế để đổi lấy việc duy trì vị thế chiến lược của mình tại khu vực, cũng chưa biết có thể cầm cự được bao lâu nếu tình trạng này kéo dài./.