Phương Tây coi quyết định này là vi phạm luật pháp quốc tế cũng như chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và lên kế hoạch trừng phạt mạnh mẽ vào Nga. Trong khi đó Chính phủ Nga hôm nay một lần nữa bảo vệ quyết định của mình, song vẫn để ngỏ cho khả năng đối thoại.
Ngày 22/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin một lần nữa bảo vệ quyết định của mình công nhận nền độc lập của Donetsk và Lugansk. Theo ông Vladimir Putin, tất cả những suy đoán về tham vọng của Nga đều hoàn toàn không đúng. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga đã chấp nhận tất cả các thực tế chính mới và tích cực làm việc để phát triển quan hệ với những nước này:
“Sau khi Liên Xô tan rã, Nga đã chấp nhận tất cả các thực tế chính trị mới. Và như bạn đã biết, chúng tôi đang tích cực làm việc để phát triển quan hệ của chúng tôi với tất cả các quốc gia có chủ quyền đã được thiết lập trong khu vực hậu Xô Viết. Tuy nhiên, thật đáng tiếc chúng ta đã không còn thấy sự hợp tác mạnh mẽ như vậy với Ukraine sau cuộc đảo chính. Tôi muốn nhấn mạnh rằng đây chính xác là những gì đã diễn ra sau cuộc đảo chính” – ông Vladimir Putin cho biết.
Trước đó, phản ứng trước thông báo của Ukraine sẽ cắt đứt quan hệ với Nga, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh, một bước đi như thế sẽ chỉ làm phức tạp thêm mối quan hệ giữa chính phủ và nhân dân hai nước và là điều cực kỳ không được hoan nghênh.
Quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin - công nhận hai nước Cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk ở miền Đông Ukraine đã gây ra phản ứng dữ dội từ NATO và các đối tác.
Ngày 22/2, Chính phủ Anh thông báo sẽ trừng phạt 5 ngân hàng của Nga và 3 cá nhân có giá trị tài sản ròng cao. Trước đó cùng ngày Thủ tướng Anh Borish Johnson cho biết nước này sẽ ngay lập thực hiện một gói trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga và đây mới chỉ là bước đi đầu tiên.
Thủ tướng Anh Borish Johnson cho biết: “Anh sẽ tích cực tham gia vào hoạt động ngoại giao ở tất cả các cấp để cố gắng tìm ra một giải pháp ngoại giao thay vì thông qua bạo lực. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm khuất phục một quốc gia châu Âu khác đều sẽ không thành công và đó là những gì chúng tôi sẽ làm để đảm bảo mục tiêu này”.
Tại Berlin, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, Chính phủ nước này đã quyết định dừng quá trình phê duyệt đối với dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) đưa khí đốt trực tiếp từ Nga tới Đức qua Biển Baltic. Nhà lãnh đạo Đức thừa nhận, đây là thời điểm khó khăn nhất với châu Âu gần 80 năm sau khi Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc. Ông kêu gọi tất cả các bên hỗ trợ cho tiến trình duy trì ổn định và an ninh tại châu lục.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết: “Với quyết định công nhận hai khu vực ly khai ở miền Đông Ukraine, Nga đã vi phạm những nguyên tắc cơ bản. Do đó tình hình hiện nay đã hoàn toàn thay đổi. Cộng đồng quốc tế phải phản ứng trước hành động một chiều, khó hiểu và phi lý này của Nga trên cơ sở hợp tác chặt chẽ, phối hợp tốt và có mục tiêu”.
Trong bối cảnh khủng hoảng leo thang giữa Nga và Ukraine, cũng như giữa Nga và phương Tây, Chính phủ Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên liên quan trong vấn đề Ukraine kiềm chế, xoa dịu căng thẳng và giải quyết những khác biệt thông qua đối thoại và đàm phán. Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân, tình hình hiện nay liên quan chặt chẽ đến sự chậm trễ trong việc thực thi thỏa thuận hòa bình Minsk.
“Trung Quốc một lần nữa kêu gọi tất cả các bên thực hiện kiềm chế, nhận thức tầm quan trọng của việc thực hiện nguyên tắc an ninh không thể chia cắt, giảm leo thang tình hình và giải quyết những khác biệt thông qua đối thoại và thương lượng. Lợi ích an ninh của bất kỳ quốc gia nào cũng cần được tôn trọng và bảo vệ. An ninh thực sự phải mang tính chung, toàn diện, hợp tác và bền vững” - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói./.