Nghiên cứu cho biết nền kinh tế số của Indonesia, quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á, có thể đạt giá trị lên tới 146 tỷ USD trong vòng 4 năm tới. Con số này cao hơn mức 124 tỷ USD dự báo trước đó, do sự tăng tốc thích ứng với kỹ thuật số của các ngành kinh doanh tại Indonesia. Chủ tịch Cơ quan Dịch vụ Tài chính Indonesia, Wimboh Antoso, cho rằng với mức dự báo này, nền kinh tế kỹ thuật số Indonesia sẽ dẫn đầu khu vực Đông Nam Á vào năm 2025.
Trong khi đó, ông Danny Ardianto, chuyên gia chính sách công của Google Indonesia, cho biết nền kinh tế kỹ thuật số Indonesia tính đến thời điểm này đã đạt 70 tỷ USD, tăng 49% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ông Danny Ardianto, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, ngày càng nhiều doanh nghiệp Indonesia, từ các doanh nghiệp lớn cho tới doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), áp dụng công nghệ kỹ thuật số để phát triển kinh doanh. Các ngành truyền thống như nông nghiệp, giáo dục và tài chính cũng đang đi theo xu hướng này. Đặc biệt, quá trình thích ứng với công nghệ tại Indonesia được đẩy nhanh bởi sự xuất hiện ồ ạt của các công ty khởi nghiệp.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá Indonesia có tiềm năng to lớn trong việc phát triển công nghệ tài chính fintech với thị trường hơn 272 triệu dân trải khắp hơn 17.000 hòn đảo, trong số này có khoảng 137 triệu người trong độ tuổi lao động. Hiện có khoảng 175 triệu người Indonesia (chiếm hơn 65% dân số) đã được tiếp cận với Internet và khoảng 129 triệu người sử dụng thương mại điện tử.
Indonesia hiện xếp thứ tư trên thế giới, sau Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản về số lượng người giao dịch trực tuyến thông qua các trang thương mại điện tử. Chính phủ Indonesia đang đặt mục tiêu tham vọng chiếm lĩnh 40% thị phần nền kinh tế kỹ thuật số của ASEAN vào năm 2025./.