Tân Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 6/10 khẳng định, kế hoạch tăng cường sự hiện diện của NATO tại Đông Âu không vi phạm hiệp ước thời hậu Chiến tranh lạnh với Nga. 

Tuy nhiên, trước đó, ông Stoltenberg cũng đã bày tỏ mong muốn cải thiện mối quan hệ với Nga dù nhiều người tin rằng việc tăng cường sự hiện diện quân sự của NATO tại Đông Âu là một động thái đe dọa đến những lợi ích sát sườn của Nga. 

nato_ddkk.jpgTân Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (Ảnh Reuters)

Việc chọn Ba Lan là điểm đến đầu tiên trên cương vị tân Tổng thư ký NATO đã phần nào cho thấy ý đồ của ông Stoltenberg với Nga bởi Ba Lan là một trong những nước liên minh với Liên xô cũ giờ đây quay sang ủng hộ mạnh mẽ nhất chính sách diều hâu không thỏa hiệp với Nga. 

Phát biểu ngày 6/10 tại căn cứ không quân Lask ở miền Trung Ba Lan, tân Tổng thư ký NATO Stoltenberg tái khẳng định cam kết xây dựng Kế hoạch sẵn sàng hành động “nhằm bảo vệ các nước thành viên trước những diễn biến đáng lo ngại ở Ukraine do sự can thiệp của Nga. 

Ông Stoltenberg cho biết: “Một trong những điều quan trọng nhất tất nhiên là thực thi Kế hoạch sẵn sàng hành động, một kế hoạch đầy tham vọng nhằm giúp lực lượng của chúng ta chuẩn bị sẵn sàng hơn bằng việc tăng cường binh sỹ và tái bố trí trang thiết bị để triển khai khi cần. Kế hoạch sẵn sàng hành động là một phần trong chiến lược hợp tác mở rộng của NATO nhằm giải quyết vấn đề trong một môi trường an ninh mới. Đây là thách thức chính mà tôi sẽ tập trung giải quyết cùng 28 nước thành viên”. 

Phát biểu tại cuộc họp báo chung với ông Stoltenberg, Tổng thống Ba Lan Bronislaw Komorowski cũng hối thúc NATO đẩy nhanh việc lắp đặt hệ thống lá chắn tên lửa vì “điều này mang ý nghĩa sâu sắc cả về chính trị lẫn phòng thủ”. 

Bên cạnh đó, ông Komorowski cho biết, Ba Lan sẽ xây dựng hệ thống lá chắn tên lửa và phòng không riêng ước tính có giá trị lên đến 43,3 tỷ USD. 

Nga cho rằng sự tăng cường hiện diện quân sự ở Đông Âu có thể vi phạm hiệp ước năm 1997, trong đó quy định về quy mô và loại hình lực lượng mà NATO được phép triển khai ở những nước thuộc Liên xô cũ. 

Tuy nhiên, tân Tổng thư ký NATO cho rằng, động thái trên hoàn toàn phù hợp với “nghĩa vụ quốc tế” của liên minh này. Mặc khác, trả lời nhật báo “Cuộc bầu cử” (Gazeta Wyborcza) của Ba Lan, ông Stoltenberg cho biết, NATO muốn có các mối quan hệ xây dựng với Nga ngay cả khi liên minh này tăng cường hiện diện tại các quốc gia thành viên ở Đông Âu. 

Trong một cuộc phỏng vấn với kênh Euronews ngày 6/10, ông Stoltenberg cũng khẳng định, không có sự đối lập nào giữa việc ủng hộ sức mạnh quân sự, một chính sách chắc chắn có thể dự đoán được, với việc ủng hộ một mối quan hệ mang tính xây dựng hơn với Nga. 

Tuy nhiên, khi được hỏi về những điều kiện để khôi phục mối quan hệ với Nga, ông Stoltenberg cho rằng: “Nga cần phải thay đổi hành động của họ. Họ cần phải hành động theo luật pháp và phù hợp với nghĩa vụ quốc tế của họ. Chúng tôi vẫn cần một số điều để có thể thiết lập một mối quan hệ mang tính xây dựng trong tương lai”. 

Thực tế, NATO đã ngừng tất cả những mối hợp tác với Nga từ hồi tháng 4 để phản đối việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea từng thuộc về Ukraine nhưng cũng nói rõ sẽ không can thiệp quân sự vào tình hình căng thẳng ở Ukraine, một quốc gia không phải thành viên liên minh. 

NATO có thể tăng cường quân sự gần biên giới với Nga như “một phản ứng tự vệ có điều kiện” nhưng quan chức NATO nhận thấy rõ ràng đây không phải là thời điểm thích hợp để dấn thân vào một cuộc đối đầu gay gắt với Moscow khi mà liên minh này cần phải bảo vệ thành viên Thổ Nhĩ Kỳ trước mối đe dọa từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS)./.