Chỉ vài giờ đồng hồ nữa, người dân Việt Nam và nhiều nước đón năm mới theo âm lịch sẽ bước sang năm Mậu Tuất, năm cầm tinh con chó - loài vật được mệnh danh là “bạn tốt nhất của con người”.

5_edte_azxc.jpg
Một họa sỹ đang vẽ tranh con chó – biểu tượng năm mới Mậu Tuất 2018 tại một khu chợ ở Đài Loan, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Những ngày này, tới Trung Quốc, khách du lịch đều có thể dễ dàng cảm nhận được không khí Năm mới: những dây đèn lấp lánh thắp sáng từng ngõ nhỏ, từng con phố, sắc đỏ của đèn lồng, của câu đối được dán cẩn thận trước cửa mỗi ngôi nhà, mỗi tòa nhà cao tầng, các trung tâm mua sắm lớn...

Lễ hội đèn lồng là một hoạt động không thể thiếu tại Trung Quốc mỗi độ Tết đến Xuân về. Từ một tuần nay, thành phố cổ Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Tây Bắc Trung Quốc trở nên lung linh hơn bao giờ hết, với những chiếc đèn lồng mang đậm nét văn hóa địa phương, với đủ hình dáng và kích cỡ khác nhau.

Còn Tại quận Rongchang, phía Tây Nam thành phố Trùng Khánh, một chiến đèn lồng hình con chó đã được dựng ở ngay phía trước nhà ga để chào đón những người con thành phố trở về, cũng như khách du lịch tới tham quan nghỉ dưỡng nhân dịp này. Nhiều du khách không thể rời mắt khỏi những chiếc điền lồng mang dáng dấp những di sản văn hóa phi vật thể được làm bằng giấy gấp và gốm sứ được trưng bày khắp nơi trong thành phố.

Một số người dân địa phương chia sẻ:

“Những chiếc đèn lồng đã làm tăng thêm không khí đón Tết. Giờ đây chúng tôi có thể cảm nhận được bầu không khí của Lễ hội mùa Xuân ở khắp nơi.”

“Đèn lồng, những dải ruy-băng nhiều màu sắc trang hoàng chiếu sáng từng góc phố, từng cái cây đã thực sự mang lại bầu không khí Tết nguyên đán”.

Giống như một số nước châu Á khác, Malaysia cũng có phong tục đón Tết Nguyên đán. Những người Malaysia gốc Hoa hối hả sắm sửa quà Tết hoặc bận rộn trang hoàng, dọn dẹp nhà cửa. Các cửa hàng đều chọn hình ảnh những chú chó xinh xắn, dễ thương để trang trí.

Không khí sắm sửa Tết vẫn luôn rộn ràng nhất tại các khu Trung tâm thương mại lớn như: Pavilion Kuala Lumpur, The Gardens Mall với đủ sắc màu rực rỡ. Trong đó, sắc đỏ là chủ đạo vì mang ý nghĩa là đem lại may mắn và phúc lộc cho năm mới.

Giám đốc Marketing trung tâm thương mại Pavilion Kuala Lumpur ông Kung Suan Ai cho biết: “Một trong những yếu tố chúng tôi cần phải tính tới khi lên ý tưởng trang trí cho trung tâm thương mại là vừa phải mang tính chuyên nghiệp cao, vừa tạo ra được sự khác biệt, được toàn xã hội chấp nhận”.

“Trung tâm thương mại của chúng tôi đã thu hút được hơn 3 triệu lượt khách, trong đó có cả người dân địa phương và khách du lịch, thuộc tất cả các tôn giáo. Tôi nghĩ mọi người đến đây là để vừa có thể thưởng thức bầu không khí lễ hội, lại vừa có thể thỏa mãn sở thích mua sắm và ăn uống”, ông Kung Suan Ai nói thêm.

Tại Camphuchia, những ngày cận Tết Mậu Tuất 2018, nhiều tuyến đường ở thủ đô Phnom Penh cũng nhộn nhịp hẳn lên với những hoạt động mua bán các loại hoa tươi, đặc biệt là mai vàng, cũng như những vật dụng trang trí mang sắc đỏ và vàng. Phổ biến nhất là cây hoa tốt lành với hoa màu vàng. Mọi người mua với mong muốn một năm mới suôn sẻ, cuộc sống gia đình, cũng như công việc kinh doanh phát triển thuận lợi, như những bông hoa mai vàng tươi tắn, rực rỡ.

Người đàn ông bày bán đèn lồng và các vật dụng trang trí cho dịp Tết tại khu vực trung tâm thủ đô Phnom Penh, Campuchia, ngày 13/2. Ảnh: Reuters

Phía trước tòa nhà của các doanh nghiệp Trung Quốc đang hoạt động tại Campuchia, thường có các màn mùa lân, múa rồng sôi động nhằm xua đuổi những điều không may mắn của năm cũ.

“Đã thành truyền thống, cứ đến dịp tết Nguyên đán, chúng tôi lại mua những cây hoa này để chào đón Năm mới. Sẽ thật là may mắn nếu bạn có một cây hoa vàng như thế này ở trong nhà. Cây hoa màu vàng càng lớn thì chúng ta sẽ càng gặp nhiều may mắn và những điều tốt đẹp.”

“Tôi vốn rất yêu hoa và tôi mua chậu hoa này với mong muốn một năm mới may mắn, tốt lành. Điều này đã trở thành một phong tục không thể thiếu đối với tôi mỗi dịp Năm mới”, nhiều người dân Campuchia chia sẻ.

Tại Nhật Bản, Hàn Quốc đều có những biểu tượng chú chó hoặc lồng đèn trang trí hình dạng chú chó khổng lồ đặt tại các quảng trường, Trung tâm mua sắm, khu công cộng nhằm chào đón năm Mậu Tuất. Ngoài mua sắm, trang hoàng nhà cửa đón tết, người dân nơi đây còn tìm đến các gian hàng viết thư pháp và chọn những câu đối đỏ treo trong nhà.

Không riêng ở châu Á, nơi có cộng đồng người Hoa tập trung đông đảo mà tại các nước như Canada, Mỹ, Anh… không khí chuẩn bị tết đã bắt đầu từ những ngày đầu tháng 2. Cũng trong dịp này, người dân gốc Hoa sống xa nhà và khách du lịch có dịp thưởng thức và tham gia vào nhiều hoạt động như biểu diễn văn nghệ hàng đêm, chợ tết, lễ hội đếm ngược chào đón năm mới.

Trong khi đó tại Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Australia, Indonesia và Hungary đã in tem và đồng xu có hình chú chó, tung ra thị trường trong dịp đón năm mới.../.

Tất niên Việt nơi miền Tây nước Pháp

VOV.VN - Với người Việt xa xứ, ngày cuối năm Đinh Dậu, ngày của bữa cơm tất niên, của lễ đón giao thừa là dịp để mọi người cùng quây quần, hướng về Việt Nam.