Hôm nay, hội nghị hòa bình liên bang Myanmar chính thức khai mạc tại thủ đô Nay Pyi Taw, với sự tham gia của hàng trăm đại diện từ Chính phủ, Quốc hội, Quân đội, 8 nhóm vũ trang sắc tộc, các chính đảng và một số thành phần khác. Hội nghị tập trung vào giải quyết các vấn đề chính trị nhằm chấm dứt xung đột vũ trang và xây dựng hoà giải dân tộc.

u_thein_bzck.jpg
Tổng thống Myanmar U Thein Sein. (Ảnh: india)

Phát biểu tại lễ khai mạc hội nghị, Tổng thống Myanmar U Thein Sein khẳng định, đây là sự kiện thu hút các lực lượng chính trị đông đảo nhất ở Myanmar trong hơn 60 năm qua kể từ khi đất nước giành độc lập năm 1948. Ông Thên Xên nhấn mạnh, từ khi lên nắm quyền năm 2011, Chính phủ của ông đã có nhiều nỗ lực nhằm chấm dứt các cuộc xung đột vũ trang dai dẳng trong nước.

Tổng thống Thein Sein cho biết, hội nghị tập trung vào 5 chủ đề chính, bao gồm các vấn đề chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội và các vấn đề liên quan đến đất đai và tài nguyên, qua đó góp phần tạo dựng lòng tin giữa các lực lượng chính trị. Ông nêu rõ, tiến trình hòa bình đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn chuyển tiếp chính trị của đất nước và hội nghị cũng là một phần trong quá trình chuyển giao quyền lực sau cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11/2015

"Hội nghị hòa bình liên bang là một dấu hiệu cho thấy quá trình chuyển đổi chính trị đang tiến lên một cách có hệ thống và ổn định. Hội nghị hòa bình liên bang cũng đại diện cho việc chuyển giao một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất mà chính quyền của tôi sẽ bàn giao cho chính phủ mới phù hợp với kết quả bầu cử năm ngoái", Tổng thống Thein Sein nói.

Phát biểu tại Hội nghị,  Chủ tịch Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) đối lập, bà Aung San Suu Kyi nêu rõ, tiến trình hòa bình của đất nước sẽ là ưu tiên hàng đầu của chính phủ mới do NLD lãnh đạo lên nắm quyền trong năm nay. Bà San Suu Kyi cũng khẳng định, Chính phủ của bà sẽ nỗ lực đạt thỏa thuận ngừng bắn toàn diện với sự tham gia của tất cả 15 nhóm vũ trang sắc tộc.

Chủ tịch Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) Aung San Suu Kyi. (Ảnh: Getty)

Bà Aung San Suu Kyi cho biết, “trong thời gian này, dựa trên các nhiệm vụ, đó là quyền làm những gì mọi người muốn chúng tôi làm, chúng tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm xây dựng hòa bình mãi mãi tại Myanmar. Tôi hy vọng mọi người sẽ giúp chúng tôi".

Trước đó, ngày 18/12, Đảng Liên đoàn quốc gia vì Dân chủ (NLD) đối lập và 8 nhóm vũ trang sắc tộc tham gia thỏa thuận ngừng bắn đã cam kết xây dựng lòng tin chung và sự hiểu biết lẫn nhau cũng như cùng hợp tác trong tiến trình hòa bình đất nước.

Cam kết này được đưa ra trong cuộc gặp lần đầu tiên giữa bà San Suu Kyi và lãnh đạo 8 nhóm vũ trang đã tham gia ký thỏa thuận ngừng bắn với Chính phủ, diễn ra ở trụ sở Quốc hội Myanmar tại thủ đô Nay Pyi Taw. Ngay sau đó, dự thảo đối thoại chính trị cuối cùng giữa Chính phủ và 8 nhóm sắc tộc vũ trang đã được trình lên Tổng thống Thein Sein để thông qua.

Hội nghị hòa bình liên bang lần này sẽ tập trung vào giải quyết các vấn đề chính trị nhằm chấm dứt xung đột vũ trang và xây dựng hoà giải dân tộc, dựa trên khung đối thoại chính trị toàn diện giữa các bên được Ủy ban Đối thoại chung về Hòa bình liên bang (UPDJC) thông qua vào tháng trước. Hội nghị kéo dài 5 ngày, diễn ra trước thềm vòng đối thoại chính trị cấp quốc gia đầu tiên giữa Chính phủ và 8 nhóm vũ trang sắc tộc dự kiến được tổ chức vào ngày 15/1 tới./.