Chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa, vào ngày 2/8 tới, Chính phủ Mỹ có thể lâm vào nguy cơ vỡ nợ nếu trước thời điểm bước ngoặt này, Quốc hội không chấp thuận nâng mức trần nợ công lên. Tuy nhiên đến nay, các nghĩ sĩ hai đảng Cộng hòa và Dân chủ vẫn chưa có được tiếng nói chung về nợ công và thâm hụt ngân sách đã và đang trở thành một cơn sóng ngầm đe dọa không chỉ với bản thân nước Mỹ, với giới đầu tư và cả cộng đồng thế giới.

Trong bối cảnh các mối đe dọa trước mắt của một cuộc khủng hoảng nợ công, các nhà lập pháp hàng đầu của Mỹ vẫn đang tiếp tục kêu gọi hành động nhằm giải quyết khủng hoảng tài chính của nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Hôm 21/7, Tổng thống Mỹ B. Obama và lãnh đạo nghị sĩ Cộng hòa tại Hạ viện tiếp tục có các cuộc gặp nhằm thảo luận về một thỏa thuận cắt giảm 4.000 tỷ USD thâm hụt ngân sách và ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ có thể xảy ra trong 2 tuần tới.

Khác với nợ công châu Âu, vấn đề nợ công của Mỹ nằm ở bất đồng chính trị hơn là chuyện nước Mỹ thiếu nguồn tài chính thật sự. Cục diện hiện nay của Mỹ chủ yếu do bất đồng giữa Nhà Trắng và Đảng Cộng hòa về gói cắt giảm thâm hụt ngân sách.

Phát biểu sau cuộc gặp hôm 21/7, Chủ tịch Hạ viện John Boehner tuyên bố sẵn sàng thỏa hiệp để đạt được một thỏa thuận cắt giảm thâm hụt ngân sách, coi đây như một giải pháp đưa kinh tế phát triển trở lại và tạo thêm việc làm. Theo các quan chức Cộng hòa, nếu không đạt được thỏa thuận cắt giảm mạnh thâm hụt ngân sách để đổi lấy việc nâng mức trần nợ công của Chính phủ lên thêm 2.400 tỷ USD, Chính phủ liên bang sẽ hết tiền hoạt động và ngày 2/8 tới. Việc nước Mỹ tuyên bố vỡ nợ có thể sẽ trở thành thời điểm “kinh hoàng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Mỹ và các thị trường tài chính toàn cầu”. Hiện nợ công của Chính phủ Mỹ đã lên tới hơn 14.000 tỷ USD, mức kịch trần giới hạn vay nợ.

Nghị sĩ đảng Cộng hòa Eric Cantor nói: “Ông Obama vẫn đang nói rằng, ông ấy luôn muốn làm những điều to lớn và vĩ đại. Và đảng Cộng hòa chúng tôi cũng vậy. Đảng Cộng hòa đã đưa ra kế hoạch, trình bày các chi tiết về việc thực thi một thỏa thuận về ngân sách. Tôi đề nghị ông Obama và đảng Dân chủ cũng hãy làm việc lớn đi”.

Trong khi đó, Nhà Trắng một mặt khẳng định có thể đạt được một thỏa thuận về cắt giảm thâm hụt ngân sách nhằm tránh thảm họa kinh tế có thể xảy ra vào đầu tháng Tám tới, song bác bỏ những thông tin truyền thông cho rằng, các nghị sĩ Quốc hội có thể sớm thỏa hiệp được về vấn đề này.

Phát biểu tại một buổi họp báo sau cuộc gặp, người phát ngôn Nhà trắng Jay Carney khẳng định: “Có nguồn tin nói rằng, cả hai đảng đã đạt được sự đồng thuận là không đúng. Thông tin mới nhất tính đến thời điểm này là hai đảng chưa đạt được sự nhất trí chung. Hai bên vẫn cần phải nỗ lực hơn nữa. Chúng tôi chỉ mới đang gần tiến tới sự đồng thuận”.

Trong 10 năm gần đây, mức trần này đã được thay đổi nhiều lần, từ khoảng 6.000 tỉ USD năm 2000 lên đến hơn 14.000 tỉ USD hiện nay; do đó việc nâng trần nợ Chính phủ không phải là vấn đề gì quá bất thường. Tuy nhiên, lần này, nhu cầu nâng trần nợ Chính phủ lại diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Obama muốn cắt giảm thâm hụt ngân sách trong vòng 10 năm tới một mức tổng cộng là 4.000 tỉ USD, bao gồm các chương trình cắt giảm chi tiêu công và tăng thuế. Ngược lại, Đảng Cộng hòa chỉ mong muốn một gói cắt giảm khoảng 2.000 tỉ USD và một mức thuế thấp. Do đó, sau nhiều cuộc thương lượng, hai bên vẫn chưa có tiếng nói chung.

Trước đó, ngày 19/7 vừa qua, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật về cắt giảm chi tiêu 6.000 tỷ USD trong ngân sách liên bang để đổi lấy việc nâng mức trần vay nợ của Chính phủ hiện nay. Tuy nhiên, dự luật có tên gọi “Cắt giảm, Giới hạn và Cân bằng” chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, vì dù nhận được sự ủng hộ rộng rãi tại Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát, kế hoạch này không có cơ hội được Thượng viện do đảng Dân chủ chiếm đa số thông qua./.