Các đại diện chính phủ Mỹ và nhóm phiến quân Taliban tại Afghanistan hôm 26/1 khép lại vòng đàm phán kéo dài 6 ngày tại Qatar. Những cuộc thảo luận được các bên đánh giá là tích cực và đạt những “bước tiến quan trọng” hướng tới chấm dứt 17 năm chiến tranh tại Afghanistan.

dac_phai_vien_my_khalilzad_wune.jpg
Đặc phái viên của Mỹ Zalmay Khalilzad. Ảnh: Dawn.

Phát biểu trên mạng xã hội Twitter, Đặc phái viên Mỹ về hòa giải Afghanistan - Zalmay Khalilzad khẳng định, các cuộc gặp ở Qatar đã có hiệu quả hơn rất nhiều so với trong quá khứ, với những tiến triển đáng kể trong các vấn đề quan trọng.

Trong khi đó trả lời hãng tin AFP, một thủ lĩnh cấp cao của Taliban cũng chia sẻ sự lạc quan này, khẳng định hai bên đã đạt được thỏa thuận về những điểm quan trọng. Theo ông, đàm phán đang tiến triển và đạt được rất nhiều bước tiến.

Từ hồi mùa hè 2018, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bắt đầu thảo luận bí mật với các đại diện của Taliban tại Qatar. Đây cũng là nơi mà nhóm phiến quân đặt văn phòng đại diện, vốn dành riêng cho những sáng kiến ngoại giao như thế này.

Theo Đại tá David Butler, người phát ngôn của lực lượng liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu tại Afghanistan, năm 2019 này sẽ là cơ hội đặc biệt cho hòa bình Afghanistan: “Năm 2019 này sẽ mang lại một cơ hội đặc biệt và duy nhất cho Afghanistan. Tôi cho rằng tất cả chúng ta đều thấy những bước tiến trong các cuộc đàm phán hòa bình. Cả chính quyền Afghanistan và Taliban đều có cơ hội nghiêm túc thực sự ở phía trước, một cơ hội cho hòa bình”.

Những cuộc thảo luận tại Qatar trong tuần này cũng là dài nhất so với những lần trước đó- 6 ngày. Theo ông Khalilzad, Mỹ sẽ tiếp tục đà hiện nay và nối lại các cuộc thảo luận, bởi vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Dù không nêu cụ thể những bước tiến đạt được trong những ngày qua, song giả thuyết được nhắc tới nhiều nhất là khả năng các bên đạt được thỏa thuận về sự rút quân của Mỹ khỏi Afghanistan để đổi lại những đảm bảo từ Taliban liên quan đến việc tuyển mộ các tay súng cực đoan nước ngoài hay các nhóm thánh chiến mà Mỹ coi là khủng bố. Đây cũng là lý do ban đầu mà Mỹ đưa ra để phát động cuộc can thiệp quân sự vào Afghanistan sau các vụ khủng bố ngày 11/09/2011. Vào thời điểm đó, Taliban vẫn nắm chính quyền tại Afghanistan và cuộc chiến do Mỹ phát động là nhằm truy quét và tiêu diệt mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda và trùm khủng bố Osama bin Laden).

17 năm sau đó, Tổng thống Donald Trump chưa bao giờ che giấu quyết tâm rút quân đội Mỹ khỏi chiến trường Nam Á này nhằm chấm dứt cuộc chiến lâu dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. Nếu như ban đầu phải từ bỏ ý định này do sức ép của các tướng lĩnh quân sự cấp cao, thì đến cuối năm 2018 vừa qua, ông Donald Trump cuối cùng cũng quyết định bắt đầu tiến trình rút 1 nửa trong tổng số 14.000 binh sĩ Mỹ triển khai tại Afghanistan. Đã có nhiều ý kiến cho rằng đây có thể là một sự đảm bảo của Mỹ với Taliban trước khi bước vào những cuộc đàm phán mới nhất này. 

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều nút thắt chưa được tháo gỡ. Đặc phái viên Zalmay Khalilzad cảnh báo, không có giải pháp cho cuộc xung đột chừng nào các bên không đạt được thỏa thuận về tất cả các vấn đề, bao gồm một cuộc đối thoại nội bộ Afghanistan và một lệnh ngừng bắn toàn diện. Trong khi đó, người phát ngôn chính thức của Taliban thậm chí còn bác bỏ mọi thỏa thuận về lệnh ngừng bắn hay các cuộc đàm phán trong tương lai với chính quyền Afghanistan.

Trên thực tế, vấn đề này từng là nguyên nhân khiến mọi nỗ lực trong quá khứ nhằm chấm dứt cuộc xung đột đều đi tới thất bại. Taliban tới nay vẫn từ chối nói chuyện trực tiếp với chính phủ của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghaini, được cộng đồng quốc tế công nhận, song bị Taliban coi là “bù nhìn” của Mỹ. Dưới con mắt của nhóm phiến quân, người Mỹ mới là người đối thoại hợp lệ chừng nào họ vẫn còn hiện diện quân sự tại Afghanistan. Dự kiến trong vài ngày tới, Đặc phái viên Zalmay Khalilzad sẽ tới Afghanistan để thông báo với chính quyền nước này về tiến triển các cuộc đàm phán./.