Nhiều thỏa thuận quân sự, kinh tế, an ninh và chống khủng bố sẽ được ký kết, báo hiệu sự nồng ấm trở lại giữa Mỹ và Saudi Arabia cũng như với các quốc gia trong thế giới Arab.

trump_o_saudi_iotu.jpg
Ông Trump ở Saudi Arabia. Ảnh: jtf.org.

Phát biểu tại cuộc họp báo, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Saudi Arabia Al Jubeir cho biết, chặng dừng chân đầu tiên tại Riyadh trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của nhà lãnh đạo Mỹ kể từ khi nhậm chức vào tháng 1, Mỹ sẽ hoàn tất các thỏa thuận chính trị và thương mại chiến lược với Saudi Arabia.

Ông Jubeir nói: “Saudi Arabia nhất trí về sáng kiến của Mỹ liên quan đến mua bán vũ khí, hợp tác kinh tế, an ninh.. Một số hiệp định sẽ được ký kết, trong đó bao gồm những thỏa thuận chính trị, các hiệp định kinh tế, thương mại giá trị lớn. Đây cũng là dịp để Saudi Arabia bày tỏ quan điểm ủng hộ chính quyền Mỹ về vai trò của Washington trong nhiều vấn đề quốc tế liên quan như cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông, giải quyết xung đột Israel-Palestine, bất ổn ở Yemen cũng như chính sách ngoại giao với Iran”.

Trong chuyến công du tới Trung Đông lần này, ngoài các nhà lãnh đạo Saudi Arabia, Tổng thống Donald Trump và đông đảo đội ngũ cố vấn cũng sẽ gặp các nhà lãnh đạo 6 quốc gia Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và dự tiệc chiêu đãi với lãnh đạo của hơn 50 quốc gia Hồi giáo.

Giới quan sát nhận định, chuyến đi nước ngoài đầu tiên và chọn tới thăm Saudi Arabia của Tổng thống Donald Trump và hồi tháng 4 trước đó của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis nằm trong nỗ lực nhằm "cài đặt lại" mối quan hệ hai nước, vốn trải qua nhiều sóng gió và "băng giá" dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.

Chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump còn được thiết kế để trấn an các đồng minh Arab về sự can dự ngày càng tăng của Iran tại khu vưc, thông qua ảnh hưởng với cộng đồng người Hồi giáo dòng Shiite, đặc biệt là tại Yemen.

Có thể thấy, từ nhiều thập kỷ nay, Saudi Arabia luôn đóng một vị trí vô cùng quan trọng trong “học thuyết chính sách ngoại giao” của các đời Tổng thống Mỹ. Đó là mối quan hệ đặc biệt dựa trên các hợp đồng mua bán vũ khí khổng lồ, hợp tác quân sự sâu rộng, hợp tác an ninh song phương và đặc biệt trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố al-Qaeda và nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hiện nay. Tuy nhiên, mối quan hệ đó đang trở gặp nhiều trở ngại trong thời gian cầm quyền của Tổng thống Obama, đặc biệt là từ đầu năm 2011, liên quan đến một loạt bất ổn bùng phát tại Trung Đông và Bắc Phi.

Theo đánh giá của chuyên gia Heather Hurlburt, chuyên gia phân tích chính sách ngoại giao của Mỹ thì chuyến đi kéo dài 9 ngày tới Saudi Arabia, Israel, Vatican và Brussels ( Bỉ)  nhằm mục đích không chỉ củng cố mối quan hệ đối tác hàng đầu với thế giới Arab, với Israel, với đồng minh NATO mà còn là cơ hội để ông chủ Nhà Trắng ghi điểm, xoa dịu dư luận Mỹ trong bối cảnh ông đang phải đối mặt với những rối ren chính trị, bất ổn ở trong nước.

Chuyên gia Hurlburt phân tích: “Tôi nghĩ rằng, chuyến đi nước ngoài đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump này thực chất là thiết lập mối quan hệ cá nhân với các nhà lãnh đạo Saudi Arabia, và với thế giới Arab hơn là xây dựng những  chính sách cụ thể của chính quyền Washington. Ai cũng biết rằng, để tạo lập những  mối quan hệ tầm chiến lược bền vững đều phải dựa trên nền tảng của mối quan hệ cá nhân tốt đẹp. Tôi tin rằng, chuyến thăm tới Saudi Arabia, Israel, Vatican và NATO sẽ là cơ hội để Tổng thống Trump thể hiện khả năng, là cơ hội để ông ấy tỏa sáng, tạo lập hình ảnh tốt đẹp hơn dưới con mắt của những người ủng hộ và cả phản đối ông ấy”./.