Kể từ khi chiếm được chính quyền tại Afghanistan hôm 15/8 vừa qua, Taliban đã cố gắng thể hiện lập trường ôn hòa và cởi mở hơn. Tuy vậy nỗ lực cải thiện hình ảnh của Taliban đang vấp phải sự hoài nghi. Dù là Mỹ và các đồng minh, hay Nga, Trung Quốc cũng đều tỏ ra thận trọng.

Cùng với các cuộc đàm phán về việc sơ tán công dân Mỹ và các đồng minh, chính quyền Tổng thống Joe Biden mặt khác cũng khẳng định vẫn đang đánh giá việc thực hiện các cam kết của Taliban, đặc biệt là trong vấn đề tôn trọng nhân quyền trước khi quyết định bản chất của mối quan hệ tương lai. Điều này cho thấy Mỹ vẫn phần nào để ngỏ một kênh đối thoại với Taliban, nhất là khi nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump cũng từng đàm phán trực tiếp với Taliban.

Cố vấn an ninh Nhà Trắng Jake Sullivan nhấn mạnh: “Chúng ta mong đợi gì từ Taliban? Đây là điều cần phải được theo dõi và đánh giá theo thời gian. Liệu trên thực tế, Taliban có thực sự sẵn sàng đáp ứng nghĩa vụ đối với các quyền cơ bản và phẩm giá con người hay không. Mỹ đã chứng minh ở những nơi khác rằng chúng tôi có thể trấn áp khủng bố mà không cần sự hiện diện quân sự thường trực trên mặt đất, và chúng tôi dự định làm chính xác điều đó ở Afghanistan”,

Đồng minh Pháp dường như cũng chia sẻ quan điểm này khi tuyên bố vẫn đang chờ đợi được chứng kiến những hành động thực tế của Taliban. Theo Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, Taliban nay đã khác với thế hệ Taliban từng kiểm soát Afghanistan trong những năm 1996-2001. Tuy nhiên lập trường này đã bị cả phe cánh tả và cánh hữu tại Pháp đánh giá là “ngây thơ”. Thậm chí một số người còn gây sức ép đối với Điện Elysée khi cho rằng đây không phải là vấn đề mà Pari cần tính đến bởi nước Pháp chỉ công nhận các quốc gia, chứ không phải là các chế độ.

Trái lại, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã thẳng thừng tuyên bố nước này “không có ý định công nhận một chính phủ Taliban”. Còn nước Anh của Thủ tướng Boris Johnson thì kêu gọi một cách tiếp cận thống nhất. Theo nhà lãnh đạo Anh, Taliban phải chứng minh thiện chí của mình bằng hành động, chứ không phải lời nói. Bất cứ hành động nóng vội hay song phương nào nhằm công nhận chế độ mới tại Afghanistan đều sẽ là sai lầm.

“Sẽ là một sai lầm nếu các quốc gia công nhận bất kỳ chế độ mới nào ở Kabul một cách nóng vội hoặc song phương. Chúng tôi sẽ đánh giá chế độ này dựa trên hành động chứ không phải bằng lời nói, bằng thái độ đối với chủ nghĩa khủng bố, tội phạm và ma tuý, cũng như quyền tiếp cận nhân đạo và quyền của trẻ em gái được đến trường”, Thủ tướng Johnson nhấn mạnh.

Để tạo hình ảnh mới, ngay sau khi nắm chính quyền, Taliban đã liên tiếp đưa ra những tuyên bố trấn an thế giới từ hòa giải dân tộc, không trả thù những người theo chế độ cũ, tôn trọng quyền của phụ nữ và trẻ em gái đến tiếp tục các cuộc đàm phán tại Qatar nhằm đạt được một chính phủ mang tính đại diện hơn cho xã hội Afghanistan…  Tuy vậy, nỗ lực cải thiện hình ảnh của Taliban vẫn vấp phải sự hoài nghi. Nhiều năm đã trôi qua nhưng người dân Afghanistan vẫn chưa thể quên đi nỗi ám ảnh về cuộc sống dưới quyền Taliban.

Thực tế việc Taliban trở lại nắm quyền cũng đồng nghĩa với việc phương Tây càng khó gây ảnh hưởng hơn tới nhóm vũ trang. Theo chuyên gia Lisa Curtis, từng là cố vấn Nhà Trắng về Trung Á và Nam Á dưới thời Tổng thống Donald Trump, thông qua ảnh hưởng đối với các nhà tài trợ lớn của Afghanistan, Mỹ có thể đặt điều kiện cho việc công nhận chế độ Taliban để gây áp lực và buộc họ phải có một chính sách hòa dịu hơn.

Tuy nhiêm từ đây cho đến thời điểm đó, con đường chắc chắn sẽ còn rất dài. Dù là Liên Hợp Quốc, Mỹ và các đồng minh hay Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ đều vẫn theo dõi sát sao hành động của Taliban với thái độ thận trọng./.