“Tại Nhật Bản, chúng tôi đang đẩy mạnh củng cố nền tảng luật pháp trong lĩnh vực an ninh để có thể ứng phó tốt hơn với khủng hoảng ở mọi cấp độ. Nền tảng pháp luật này sẽ góp phần tăng cường sự hợp tác giữa quân đội Mỹ và lực lượng phòng vệ Nhật Bản cũng như củng cố liên minh Nhật-Mỹ, tạo ra một sự răn đe hiệu quả để bảo vệ hòa bình trong khu vực”.
Trước đó, Mỹ và Nhật Bản đã thông qua những định hướng hợp tác quốc phòng mới, cho phép Nhật Bản can dự sâu rộng hơn trong việc giải quyết xung đột trên thế giới, đặc biệt là có thể bảo vệ một nước thứ ba.
Với bài phát biểu tại Quốc hội Mỹ, ông Shinzo Abe đã trở thành Thủ tướng Nhật Bản đầu tiên phát biểu trước Thượng viện và Hạ viện Mỹ. Đây cũng là vinh dự hiếm hoi mà Quốc hội Mỹ dành cho một nguyên thủ quốc gia.
Trong bài phát biểu ngay tại nơi Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt tuyên chiến với Nhật Bản sau vụ không quân Nhật ném bom Trân Châu Cảng tại Hawaii vào năm 1941, Thủ tướng Shinzo Abe gửi lời chia buồn tới tất cả những người Mỹ đã ngã xuống trong Thế chiến thứ hai, đồng thời bày tỏ sự “ân hận sâu sắc” về những hành động của Nhật Bản trong thời kỳ này:“Hành động của chúng tôi đã mang lại đau khổ cho người dân các quốc gia châu Á. Chúng tôi không thể ngoảnh mặt trước thực tế này”.
Tuy nhiên, cũng như tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Obama một ngày trước, Thủ tướng Abe đã không đưa ra lời xin lỗi trực tiếp về quá khứ quân phiệt của Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ hai, trong đó có việc ép buộc hàng trăm ngàn phụ nữ châu Á, bao gồm phụ nữ Hàn Quốc và Trung Quốc, mua vui cho quân đội Nhật. Một lời xin lỗi trực tiếp là điều Hàn Quốc và một số nghị sỹ và cựu binh Mỹ trông đợi từ bài phát biểu của ông Abe. Dù không đề cập các nạn nhân nhưng Thủ tướng Abe cũng khẳng định phụ nữ luôn là những người gánh chịu nhiều đau khổ nhất trong các cuộc xung đột vũ trang.
Xử lý những vấn đề quá khứ là một trong ba trọng tâm của chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Shinzo Abe, bên cạnh mở rộng hợp tác quốc phòng và thúc đẩy hoàn tất tiến trình đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Những hành động của Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ hai, đặc biệt là việc ép buộc phụ nữ mua vui là vấn đề rất nhạy cảm, gây ra nhiều bất đồng giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, khiến Mỹ không ít lần phải đóng vai trò trung gian hòa giải đối với hai đồng minh vô cùng quan trọng tại Đông Á.
Trong bài phát biểu tại Quốc hội Mỹ, Thủ tướng Nhật Bản cũng gửi một thông điệp mạnh mẽ về những tranh chấp biển hiện nay tại châu Á khi nêu rõ các nước cần thương lượng để giải quyết bất đồng, thay vì sử dụng vũ lực hoặc ép buộc để thúc đẩy yêu sách của mình. Hãng Reuters trích dẫn một số nguồn tin cho biết Nhật Bản sẵn sàng xem xét khả năng tuần tra chung trên không với Mỹ tại Biển Đông.
Bài phát biểu của Thủ tướng Abe cũng được xem là cơ hội để thuyết phục Quốc hội Mỹ thông qua TPP, hiệp định đang vấp phải sự phản đối của hầu hết các nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ của Tổng thống Obama do những lo ngại về khả năng nhiều người lao động Mỹ sẽ mất việc làm do các công ty trong nước tìm kiếm nguồn nhân công rẻ hơn tại nước ngoài.
Thủ tướng Abe nhấn mạnh: “TPP không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn có giá trị an ninh và chiến lược lâu dài. Hiệp định này bao trùm một khu vực chiếm 40% giá trị kinh tế và 1/3 thương mại toàn cầu và chúng ta phải biến nó trở thành khu vực hòa bình và thịnh vượng lâu dài vì tương lai của con cháu chúng ta.”
Dù còn một số bất đồng trong lĩnh vực nông nghiệp và phụ tùng ô tô nhưng nhiều khả năng Mỹ và Nhật Bản sẽ kết thúc đàm phán song phương trong một vài tuần tới, một điều kiện thiết yếu để hoàn tất hiệp định TPP với sự tham gia của 12 quốc gia trong đó có Việt Nam./.