Sau cuộc gặp tại Geneva, Thụy Sĩ, một quan chức cấp cao Mỹ cho biết, các cuộc thảo luận đã đi vào “thực chất” và đề cập tới nhiều vấn đề còn khúc mắc, tồn tại.
Theo một quan chức cấp cao Mỹ, các cuộc gặp đã đi vào “thực chất” và đề cập tới rất nhiều những khúc mắc còn tồn tại. Hiện Iran vẫn đang yêu cầu Mỹ và phương Tây dỡ bỏ các lệnh trừng phạt về kinh tế, trong khi các cường quốc lại muốn nhận được một sự đảm bảo chắc chắn rằng Iran không tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân dưới vỏ bọc chương trình hạt nhân dân sự.
Trước đó, phát biểu ngay trước thềm cuộc gặp, Ngoại trưởng Iran Javad Zarifthông báo, tại vòng đàm phán sắp tới Iran sẽ đưa ra những đề xuất mới. Iran đã sẵn sàng khép lại mọi vấn đề, song cũng cần phải xem phía bên kia có sẵn sàng hay không.
Còn Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bày tỏ hy vọng sẽ thúc đẩy quá trình đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran, tìm cách tháo gỡ những bế tắc nhằm đạt được sự tiến bộ. Ngay sau cuộc gặp, hoạt động tham vấn song phương giữa hai nước cũng sẽ được khởi động trong ngày hôm nay nhằm thúc đẩy các cuộc thảo luận về mặt kỹ thuật.
Các cuộc thảo luận giữa Mỹ và Iran được xem là chìa khóa cho các cuộc đàm phán giữa Iran và P5+1 nhằm đi tới chấm dứt hoàn toàn những tranh cãi kéo dài 1 thập kỷ qua về vấn đề hạt nhân.
Sau 10 năm nỗ lực không thành công, dường như các bên đều đạng đặt kỳ vọng rất lớn vào vòng đàm phán lần này. Một thực tế không thể phủ nhận là mặc dù vẫn tồn tại bất đồng sâu sắc giữa Iran và các nước phương Tây, nhưng chưa bao giờ các cuộc thảo luận lại có bước tiến triển đến vậy.
Minh chứng rõ nhất là dù vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của đảng Cộng hòa hiện chiếm đa số tại cả hai viện Quốc hội, song chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn tìm cách thúc đẩy Quốc hội không thông qua các lệnh trừng phạt mới với Iran, có thể đẩy đàm phán đến chỗ không lối thoát.
Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Samantha Powers nói:“Chúng ta đã đạt được những bước tiến dài trong việc tập hợp cộng đồng quốc tế cô lập Iran và bắt Iran phải trả giá vì theo đuổi chương trình hạt nhân khiến cộng đồng quốc tế quan ngại. Sự đồng thuận đó mang lại đòn bầy cho chúng ta trong vấn đề Iran. Nhưng nếu vào thời điểm này, chúng ta lại tiếp tục đưa ra các lệnh trừng phạt mới, thì chúng ta sẽ đi từ việc cô lập Iran sang cô lập chính mình. Chúng ta sẽ từ vị thế tập hợp được sức mạnh tổng thể trở thành một cá thể yếu đuối.”
Trên thực tế, các bên đã hai lần bỏ lỡ cơ hội đi đến một thỏa thuận hạt nhân toàn diện trong năm 2014 và phải chờ tới một cơ hội thứ 3. Theo đó, Iran và Nhóm P5+1 sẽ tái khởi động các cuộc đàm phán nhằm tìm kiếm một thỏa thuận chính trị vào ngày 1/3 tới và tiến tới đạt được thỏa thuận toàn diện vào thời hạn chót là ngày 1/7.
Theo các nhà ngoại giao Nga, tất cả những yếu tố cần thiết cho một thỏa thuận toàn diện giữa Iran và P5+1 đều đã sẵn sàng và điều duy nhất còn thiếu đó chính là ý chí chính trị. Các bên cần phải hiểu rằng cơ hội không thể kéo dài mãi và một thất bại lần thứ 3 có thể đẩy các bên tới bờ vực một cuộc đối đầu vũ trang nguy hiểm khi tạo cơ hội cho các phe cứng rắn tại cả hai nước, nhất là trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động và phân cực như hiện nay./.