Trong buổi tiếp Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong phòng Bầu dục tại Nhà Trắng ngày 14/2, Tổng thống Obama nói rằng: Việc Mỹ có một mối quan hệ mạnh mẽ với Trung Quốc hoàn toàn là vấn đề sống còn. Báo chí đã mô tả rằng, sau khi nghe câu này, ông Tập Cận Bình mỉm cười và nét mặt nhìn rạng rỡ hơn.

my-trung.jpg
Mỹ - Trung đều cần nhau trong tương lai (Ảnh: AFP)
“Cặp đôi” quan trọng nhất thế giới

Quan hệ Mỹ - Trung đang được dư luận coi là cặp đôi quan trọng nhất của thế giới. Đã có hãng truyền hình khi bình luận về mối quan hệ giữa hai nước đã ví von như một cặp đôi “vợ chồng”. Nhiều nhà phân tích quốc tế lại cho rằng còn hơn thế, “vợ chồng” có thể xảy ra “li dị”, còn quan hệ Mỹ - Trung thì lại không thể tách rời nhau.

Mỹ là quốc gia đã từng là đầu tàu của thế giới, thu nhập quốc dân chiếm 30% GDP toàn cầu; đồng USD có vị thế thanh toán quốc tế vượt trội hơn hẳn các đồng tiền của các nước khác; tiềm lực quân sự quốc phòng cũng chưa có nước nào vượt qua.

Tuy nhiên, từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt nguồn từ chính nước Mỹ, tiềm lực toàn diện của nước Mỹ suy giảm chưa từng có. Với nhiều giải pháp và các gói kích thích kinh tế hàng ngàn tỷ USD vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn cho nền kinh tế Mỹ. Khoản nợ công khổng lồ đã vượt qua con số 1.400 tỷ USD, chiếm hơn 100% GDP.

Trong khi đó, Trung Quốc những thập niên vừa qua lại có những bước biến bộ vượt bậc, đã bỏ qua Nhật Bản để đứng thứ hai (sau Mỹ) về quy mô kinh tế. Trung Quốc đã trở thành chủ nợ lớn nhất của Mỹ, chênh lệch cán cân thương mại Mỹ - Trung đã lên tới con số 295,5 tỷ USD, và với hơn 3.000 tỷ USD dự trữ ngoại tệ, Trung Quốc còn có khả năng “mua đứt cả châu Âu” trong cơn khủng hoảng nợ công tồi tệ hiện nay.

Trung Quốc hiện đang là nước dẫn đầu trong tốp các nước mới nổi, là nước chịu thiệt hại ít nhất và là nước sớm nhất thoát khỏi cuộc đại khủng khoảng kinh tế - tài chính toàn cầu năm 2008.

Tuy ngân sách dành cho quốc phòng về quy mô chưa thể so sánh được với Mỹ, nhưng tiềm lực quân sự của Trung Quốc, nhất là những tiến bộ mới về công nghệ quân sự khiến Mỹ không thể coi thường.

Trong bối cảnh hiện nay và trong tương lai, cả hai nước đều có tham vọng toàn cầu. Vì thế, quan hệ Mỹ - Trung được Tổng thống Obama coi là “vấn đề sống còn” là hoàn toàn có cơ sở.

“Đầu tư vào tương lai”

Nói về chuyến thăm của Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Anthony Blinken, Cố vấn An ninh quốc gia của Phó Tổng thống Mỹ Joseph Biden nhấn mạnh: “Chuyến thăm thực sự là một hoạt động đầu tư vào mối quan hệ tương lai Mỹ - Trung”, vì ông Tập Cận Bình được coi là người sẽ kế nhiệm Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.

Có lẽ bởi lý do đó, dù không phải là quân nhân, nhưng ông Tập Cận Bình vẫn được Lầu Năm Góc đón tiếp trọng thị theo nghi thức quân đội với 19 phát đại bác chào mừng - một nghi lễ trước đó chưa được dành cho Phó Tổng thống hay Phó Chủ tịch của bất cứ nước nào.

Đây là sự trọng thị của chính quyền Obama, coi quan hệ với Trung Quốc - một đối tác không chỉ lớn về kinh tế và thương mại, mà còn là đối thủ quân sự trong tương lai gần.

Ông Tập Cận Bình được dự đoán là sẽ kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào khi nhà lãnh đạo Trung Quốc mãn nhiệm chức Tổng Bí thư vào cuối năm nay và chức Chủ tịch nước vào tháng 3 năm tới.

Ông Tập Cận Bình có lợi thế hơn ông Hồ Cẩm Đào trong việc thiết lập các mối quan hệ cá nhân. Trong chuyến đi này, ông Tập đã trở lại bang Iowa, nơi ông từng có thời gian đến công tác khi còn là một viên chức của tỉnh Hà Bắc.

Giới truyền thông quốc tế trước chuyến thăm này dự đoán sẽ khó có quyết định quan trọng nào được đưa ra trong chuyến thăm Mỹ lần này, nhưng nó rất quan trọng để chính giới Mỹ bắt đầu tìm hiểu về nhà lãnh đạo tương lai của Trung Quốc.

Điểm nhấn trong nội dung tranh cử

Cuộc bầu cử Tổng thống sẽ diễn ra ở Mỹ vào tháng 11/2012. Một trong những nội dung quan trọng trong chính sách đối ngoại của các ứng cử viên Tổng thống của lưỡng đảng là xử lý vấn đề Trung Quốc.

Trong thời gian qua, dư luận Mỹ đã đổ lỗi cho Trung Quốc là tác nhân quan trọng làm cho kinh tế Mỹ phục hồi chậm chạp, do Trung Quốc định giá đồng Nhân dân tệ thấp và thi hành nhiều chính sách làm thiệt hại cho Mỹ trong quan hệ thương mại với Trung Quốc.

Trong quá trình hội đàm, ông Joe Biden đã nhắc lại lo ngại của Mỹ về việc các công ty Trung Quốc được nhà nước trợ cấp và việc Trung Quốc đặt điều kiện cho doanh nghiệp Mỹ phải chuyển giao công nghệ cao mới được kinh doanh ở Trung Quốc. Ông Joe Biden cũng phàn nàn về tỷ giá hối đoái đồng Nhân dân tệ được định giá thấp hơn giá trị thực của nó...

Phía Mỹ cũng đặc biệt quan tâm thăm dò sự phản ứng của Trung Quốc về việc triển khai chiến lược “Trở lại châu Á- Thái Bình Dương” của Mỹ; vấn đề hiện diện của hơn 2.000 quân của Mỹ tại Australia; vai trò của Mỹ ở Biển Đông; chính sách củng cố đồng minh và thu hút đồng minh mới của Mỹ tại khu vực châu Á; chính sách của Mỹ về Đài Loan và vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên…

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta mong muốn quan hệ quân sự giữa Washington và Bắc Kinh nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định ở châu Á - Thái Bình Dương. Ông Paletta nói: “Mỹ và Trung Quốc đều là các cường quốc Thái Bình Dương, và chúng tôi chào đón sự vươn lên của một nước Trung Quốc giàu mạnh và thành công, để Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn đối với hòa bình và an ninh khu vực”.

Như vậy, qua các cuộc hội đàm Mỹ - Trung cho thấy sự lựa chọn chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama có thể là “chung sống với sự lớn mạnh của Trung Quốc”.

Vì thế, các nhà phân tích quốc tế cho rằng, chính sách thừa nhận thực tế và khôn ngoan này có thể giúp ông Obama ghi điểm trong cuộc tranh cử để tiếp tục ở lại Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ nữa./.