Hôm nay (18/12), Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dự kiến tiến hành bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết khẳng định những quyết định về quy chế của Jerusalem là không có hiệu lực pháp lý và cần phải được hủy bỏ.

Hãng tin Anh Reuters dẫn nguồn tin ngoại giao cho biết, dự thảo nghị quyết dài 1 trang do Ai Cập soạn thảo và đã được chuyển tới 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an trong ngày 17/12. Theo Reuters, dự thảo không đề cập cụ thể đến Mỹ hay Tổng thống Donald Trump, song văn bản này nhiều khả năng sẽ bị Mỹ phủ quyết.

1_116330_eyih.jpg
Biểu tình diễn ra khắp khu vực Trung Đông sau quyết định của Tổng thống Trump. (Ảnh: AFP)
Chủ tịch Quốc hội Ai Cập Ali Abdel-Aal ngày 17/12 cũng thông báo nước này đã liên hệ với tất cả các nhà lãnh đạo Arab và một số nhà ngoại giao nước ngoài để chuẩn bị nghị quyết phản đối Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Cùng ngày, Liên đoàn Arab (AL) tuyên bố thành lập một phái đoàn cấp Bộ trưởng để giải quyết vấn đề Mỹ công nhận Jerusalem. Phái đoàn này sẽ có phản ứng ở cấp độ ngoại giao và truyền thông trước quyết định được cho là “nguy hiểm” của Mỹ. Thành viên của phái đoàn gồm Tổng Thư ký Liên đoàn Arập Ahmed Aboul Gheit cùng Ngoại trước các nước Jordan, Palestine, Ai Cập, Saudi Arabia, Marốc và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất. Phái đoàn sẽ có cuộc họp đầu tiên tại thủ đô Amman của Jordan trong tuần này.

Tuyên bố hôm 6/12 của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel đã làm dậy sóng khu vực Trung Đông. Các nước Hồi giáo trên khắp thế giới, đặc biệt là các nước Arập, đã phản đối gay gắt, đồng thời cảnh báo đây sẽ là mồi lửa làm bùng phát xung đột trong khu vực. Trong một động thái phản đối mới nhất quyết định của Mỹ, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm 17/12 tuyên bố sẽ mở Đại sứ quán ở Đông Jerusalem.

“Khi Jerusalem bị chiếm đóng, Thổ Nhĩ Kỳ không thể mở Đại sứ quán tại đây và chỉ có Tổng lãnh sự quán. Nhưng ngày chúng tôi chính thức có Đại sứ quán tại Đông Jerusalem đã đến gần. Với sự cho phép của Đấng tối cao, chúng tôi sẽ mở Đại sứ quán tại đây” - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố.

Trước đó, ngày 13/12, tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) diễn ra Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi thế giới công nhận Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine. Đây cũng được xem là lời kêu gọi đối với 50 quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác Hồi giáo được Thổ Nhĩ Kỳ mời tham gia hội nghị, nhằm đưa ra phản ứng chung với quyết định của Mỹ.

Đến nay, các cuộc biểu tình của người Hồi giáo vẫn diễn ra rầm rộ tại nhiều nước trên thế giới để phản đối quyết định của Tổng thống Mỹ. Ngày 17/12, tại thủ đô Jakarta của Indonesia, hàng chục nghìn người Hồi giáo mang theo cờ Palestine đã tập trung biểu tình trước Đại sứ quán Mỹ. Đây là cuộc biểu tình thứ 4 và là cuộc biểu tình lớn nhất tại Indonesia kể từ khi Mỹ có tuyên bố về Jerusalem. Cảnh sát Indonesia ước tính có khoảng 80.000 người từ các nhóm Hồi giáo khác nhau tham gia biểu tình. Khoảng 20.000 cảnh sát và binh sĩ quân đội Indonesia đã được triển khai để đảm bảo an ninh.

Cùng ngày, hàng nghìn người Hồi giáo đã biểu tình tại thành phố miền Nam Karachi của Pakistan. Đây cũng là cuộc biểu tình lớn nhất tại Pakistan nhằm phản đối Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, đồng thời bày tỏ sự đoàn kết với người Palestine. Trong khi đó, chính phủ Pakistan đã gọi quyết định của Tổng thống Donald Trump là “bước lùi nguy hiểm”, đi ngược lại luật pháp và các khuôn khổ quốc tế./.