Liên Hợp Quốc lên án mạnh mẽ việc lực lượng "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng tại Iraq hành quyết nhà báo Mỹ Steven Sotloff, cho rằng đây là hành động "hèn nhát và ghê tởm". Trong nỗ lực làm suy yếu lực lượng này, Quân đội Mỹ tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch không kích nhằm vào phiến quân ở miền Bắc Iraq sau khi tuyên bố thành lập một “liên minh nòng cốt” với sự hỗ trợ của các đồng minh và đối tác tại hội nghị thượng đỉnh NATO kết thúc mới đây tại Anh.
Trong Tuyên bố đưa ra ngày 6/9, Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc bày tỏ sự tiếc thương đối với nhà báo Steven Sotloff và nhấn mạnh hành động tội ác trên là hồi chuông cảnh báo đối với những mối nguy hiểm mà các nhà báo hoạt động tại Syria đang phải đối mặt hàng ngày. Tuyên bố cũng nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần có hành động khẩn cấp để ngăn chặn những hành động bạo lực ghê rợn cửa lực lượng Hồi giáo cực đoan này.
Liên Hợp Quốc kêu gọi Chính phủ các nước và các thể chế quốc tế hợp tác, nỗ lực chống lại lực lượng Nhà nước Hồi giáo cũng như mặt trận Al-Nursa và một số cá nhân, tổ chức có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda.
Phát biểu trong chuyến thăm Mexico ngày 6/9, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton cảnh báo rằng, mối đe dọa của các tay súng thuộc tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo đã vượt ra ngoài khu vực Trung Đông: “Tại Trung Đông, chúng ta chứng kiến sự thù địch ngày càng gia tăng của chủ nghĩa cực đoan thông qua Nhà nước Hồi giáo vốn có tham vọng lập nên cái gọi là vương quốc Hồi giáo ở Syria và Iraq. Chúng đe dọa trực tiếp các nước trong và ngoài khu vực này”.
Trong lúc này, Mỹ tiếp tục chiến dịch không kích nhằm vào lực lượng Nhà nước Hồi giáo. Bộ Chỉ huy trung tâm Mỹ ngày 6/9 cho biết Mỹ đã sử dụng các loại máy bay chiến đấu, máy bay tấn công và máy bay không người lái để tiến hành hai cuộc không kích trong hai ngày 5 và 6/9 nhằm hỗ trợ các hoạt động bảo vệ gần thành phố Erbil, Thủ phủ khu vực tự trị của người Kurd ở miền Bắc Iraq.
Các cuộc không kích đã phá huỷ 4 xe bọc thép, một xe được trang bị vũ trang và 2 xe tải chở súng máy của phiến quân. Theo Bộ Chỉ huy trung tâm Mỹ, các cuộc không kích được phép thực hiện nhằm bảo vệ các nhân viên và các cơ sở ngoại giao của Mỹ ở Iraq, cũng như hỗ trợ các hoạt động nhân đạo và ủng hộ lực lượng an ninh sở tại đẩy mạnh chiến dịch tiêu diệt phiến quân.
Việc Mỹ tuyên bố thành lập một “liên minh nòng cốt” trong cuộc chiến chống phiến quân IS được xem là một trong những kết quả nổi bật tại Hội nghị thượng đỉnh NATO kết thúc mới đây tại Xứ Wales của Anh và điều này cũng nhận được sự hoan nghênh của I-rắc và một số nước.
Trong phát biểu ngày 6/9, Ngoại trưởng Iraq Hoshyar Zebari đánh giá kế hoạch trên của Tổng thống Mỹ Obama là một "thông điệp ủng hộ mạnh mẽ" đối với Iraq và cuộc đấu tranh truy quét phiến quân Nhà nước Hồi giáo. Theo ông Zebari, mối đe dọa của lực lượng này hết sức nghiêm trọng không chỉ với người dân Iraq hay khu vực mà cả với châu Âu, Mỹ.
Ngay sau Hội nghị thượng đỉnh NATO kết thúc, Thủ tướng Italy Matteo Renzi cho biết Italy sẽ tham gia liên minh quốc tế của NATO để chống lại lực lượng IS. Liên minh này sẽ phối hợp để ngăn chặn dòng chiến binh Hồi giáo và tài chính đang đổ về hỗ trợ cho IS. Ngoài ra, các nước tham gia liên minh cũng sẽ tăng cường hỗ trợ về mặt quân sự cho Iraq và nỗ lực giải quyết khủng hoảng nhân đạo, đồng thời tuyên truyền về sự bất hợp pháp của tư tưởng Hồi giáo cực đoan.
Liên minh chống phiến quân IS dự kiến sẽ được mở rộng đáng kể khi Mỹ đang tìm cách kêu gọi các quốc gia Trung Đông góp tay vào nỗ lực tiêu diệt phiến quân. Giới chức NATO coi tổ chức Nhà nước Hồi giáo là mối đe dọa lớn đối với an ninh của khối quân sự, đồng thời lo ngại rằng chúng có thể phát động một cuộc thánh chiến trên toàn Trung Đông và trở thành một lò đào tạo những kẻ khủng bố đe dọa đến các nước phương Tây./.