Sau chặng dừng chân tại Ukraine, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm qua (9/7) tiếp tục lên đường thăm Thổ Nhĩ Kỳ. Xuyên suốt chuyến thăm 2 ngày này, cuộc hội đàm giữa hai bên sẽ xoay quanh các chủ đề đáng quan tâm, từ khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh, cho tới cuộc xung đột kéo dài tại Syria, hay âm mưu đảo chính quân sự hồi năm ngoái ở Thổ Nhĩ Kỳ.

my_tho_nhi_ky_cncv.jpg
Ngoại trưởng Mỹ Tillerson và Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu. Ảnh: AP.

Chuyến thăm cũng được kỳ vọng sẽ đặt nền tảng cho việc định hướng mối quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian tới.

Tại Istanbul, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson đã có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, thảo luận hàng loạt vấn đề “nóng” như căng thẳng leo thang hiện nay giữa Qatar với các nước láng giềng Arab hay cuộc nội chiến ở Syria.

Giữa lúc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh lan rộng,  Thổ Nhĩ Kỳ đã không “bỏ rơi” Qatar khi đưa ra một số quyết định thể hiện sự ủng hộ đối với đồng minh chiến lược quan trọng trong khu vực.

Chuyến thăm Istanbul của Ngoại trưởng Mỹ lần này được xem là cơ hội để giới chức Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục chia sẻ quan điểm ủng hộ việc sớm giải quyết dứt điểm mâu thuẫn trong khu vực với Mỹ- nước vốn được Qatar khẳng định có“vai trò quan trọng” trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng đang diễn ra bởi lẽ tất cả các bên trong xung đột đều là đồng minh của Mỹ.

Ngoài cuộc khủng hoảng vùng Vịnh, cuộc gặp giữa hai nhà ngoại giao Mỹ- Thổ Nhĩ Kỳ lần này còn tập trung vào xung đột tại Syria. Hiện hai bên vẫn có những quan điểm khác biệt về vấn đề người Kurd ở Syria. Đây cũng chính là một trong những lý do khắc sâu thêm những rạn nứt trong quan hệ giữa Mỹ – Thổ Nhĩ Kỳ, khiến cho sự ngờ vực và căng thẳng giữa hai nước đồng minh NATO gia tăng.

Giữa hai bên đang tồn tại bất đồng sâu sắc liên quan đến chính sách của Mỹ ủng hộ và vũ trang cho một nhóm dân quân người Kurd chiến đấu chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là 1 tổ chức khủng bố. Thổ Nhĩ Kỳ đã không loại trừ khả năng phát động một chiến dịch xuyên biên giới mới ở Syria nhằm vào lực lượng này - động thái có thể làm bùng phát căng thẳng với Mỹ.

Tiếp sau cuộc gặp với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson cũng có dịp hội kiến Tổng thống nước chủ nhà Recep Tayyip Erdogan tại tư dinh ở Istanbul. Tuy nhiên, đáng tiếc, hai bên đã không đưa ra bất kì tuyên bố nào sau các cuộc gặp này.

Cùng ngày, cũng tại Istanbul, Ngoại trưởng Mỹ đã dự và phát biểu tại lễ khai mạc Đại hội Dầu mỏ Thế giới. Tại đây, ông Tillerson đã hoan nghênh những người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã đứng lên bảo vệ nền dân chủ trong vụ đảo chính quân sự bất thành ở nước này hồi tháng 7 năm ngoái.

“Tất cả chúng ta đang ở đây, ở Istanbul trong khoảnh khắc đáng nhớ này. Gần một năm trước, người dân Thổ Nhĩ Kỳ dũng cảm đứng lên chống lại âm mưu đảo chính, bảo vệ nền dân chủ của họ. Hãy lấy giây phút này để ghi nhận tinh thần quả cảm của họ, cũng như để tưởng nhớ đến các nạn nhân trong sự kiện ngày 15/7 năm ngoái", ông Tillerson nhấn mạnh.

Cũng tại sự kiện này, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson khẳng định Mỹ luôn xem Thổ Nhĩ Kỳ như là một đối tác quan trọng trong nỗ lực đảm bảo an ninh năng lượng trong khu vực. Ông Tillerson cũng nhấn mạnh sự sẵn sàng hợp tác với phía Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian tới:

Mặc dù hiện tại mối quan hệ Mỹ- Thổ Nhĩ Kỳ vẫn khá căng thẳng, nhưng với việc cả hai bên đều đang tích cực thể hiện thiện chí cải thiện quan hệ, chuyến thăm của nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ tới Thổ Nhĩ Kỳ lần này đang rất được kỳ vọng sẽ góp phần phá tan dần tảng băng trong quan hệ Mỹ- Thổ Nhĩ Kỳ./.