Phát biểu khi đang ở thăm New Zealand trước khi đến Morocco để tham gia Hội nghị khí hậu Liên Hợp Quốc tại thành phố Marrakesh, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng, có nhiều bằng chứng cho thấy cuộc sống của con người đang bị đe dọa do biến đổi khí hậu. Vì vậy, chính phủ các nước cần phải ưu tiên trong vấn đề chống biến đổi khí hậu.

paris_aglu.jpg
Việc Tổng thống mới đắc cử của Mỹ Donald Trump dọa rút khỏi Thỏa thuận Paris đang đe dọa sẽ khiến thỏa thuận này khó được thực thi đầy đủ. Ảnh: AP

Mặc dù không đề cập cụ thể Tổng thống đắc cử Trump sẽ làm gì với Thỏa thuận Paris, nhưng ông Kerry vẫn hi vọng có sự khác biệt giữa tuyên bố trong giai đoạn tranh cử và khi ông Trump lên nắm quyền thực sự.

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh, đến ngày 20 tháng 1 tới, chính quyền Tổng thống hiện nay mới kết thúc nhiệm kì. Do đó chính phủ sẽ nỗ lực làm mọi điều có thể  để gánh vác trách nhiệm đối với thế hệ tương lai, giải quyết những thách thức mà hành tinh đang phải đối mặt.

Tuyên bố của ông Kerry được đưa ra khi Tổng thống đắc cử Trump cam kết sẽ từ bỏ Thỏa thuận Paris trong chiến dịch tranh cử, cảnh báo dừng tất cả các quĩ hỗ trợ của Mỹ cho các chương trình chống biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc. Theo một số nguồn tin, ông Trump đang xem xét các biện pháp “đường vòng” để nhanh chóng rút khỏi Thỏa thuận này.

Kể từ khi người dân Mỹ lựa chọn được Tổng thống mới, hàng loạt chính phủ các nước, từ Trung Quốc đến các quốc đảo nhỏ, đều khẳng định sự ủng hộ đối với Thỏa thuận Paris tại Hội nghị biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc đang diễn ra ở Morocco. Rất nhiều quốc gia kêu gọi Mỹ tiếp tục tham gia Thỏa thuận.  

Bộ trưởng Môi trường Pháp Segolene Royal cho rằng, việc nước Mỹ rút khỏi sự hợp tác về chống biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng: “Tôi nghĩ, nếu quyết định Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris sẽ là một điều vô cùng nghiêm trọng.

Những cam kết này được đưa ra trong chiến dịch tranh cử để làm hài lòng một số cử tri nhất định, những người không hiểu rằng sự ấm nóng toàn cầu đang ngày càng rõ ràng hơn. Tôi nghĩ rằng khi ông Trump lên nhậm chức, việc ông rút khỏi các cuộc đàm phán đa phương và vấn đề biến đổi khí hậu sẽ làm suy yếu nước Mỹ”.

Mỹ chiếm khoảng 20% lượng khí thải gây hiệu ứng toàn cầu và được cho là nước đầu tàu trong việc thực hiện Thỏa thuận Paris, đã được 109 nước phê chuẩn. Bộ trưởng Môi trường Pháp cũng cho rằng, Trung Quốc có thể sẽ thay thế vị trí đi đầu của Mỹ nếu nước này rút khỏi Hiệp định Paris.

Phát biểu tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu tại Morocco, cố vấn chính sách quan trọng của Tổ chức Hòa bình Xanh Trung Quốc Li Shuo cho rằng, Trung Quốc vẫn duy trì cam kết với Thỏa thuận khí hậu Paris: “Hiện có nhiều điều không chắc chắn với khoảng trống sau cuộc bầu cử Mỹ. Tôi nghĩ Trung Quốc đã khẳng định rất rõ ràng rằng sẽ tiếp tục hành động của mình bất chấp tình hình chính trị tại Mỹ. Chúng ta cần phải nhấn mạnh rằng, Thỏa thuận Paris đã đạt được vào năm ngoái với sự đồng thuận của gần 200 quốc gia”.

Mặc dù các nước đều khẳng định tiếp tục thực hiện Hiệp định Paris, nhưng giới quan sát cho rằng, nếu Tổng thống đắc cử Trump thực hiện các cam kết như trong chiến dịch tranh cử sẽ gây khó khăn hơn cho việc Thực hiện Thỏa thuận lịch sử này.

Trước hết, các quốc gia đang phát triển sẽ không nhận được đủ số hỗ trợ tài chính để đối phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, việc Mỹ dừng hỗ trợ cho các chương trình chống biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc cũng sẽ đe dọa hoạt động của Quỹ Khí hậu Xanh, giúp các quốc gia phát triển cùng chung tay giúp đỡ các nước nghèo xây dựng môi trường sống xanh, sạch và chống lại biến đổi khí hậu.

Trong đợt huy động đầu tiên vào năm 2014, Quĩ khí hậu Xanh đã nhận được cam kết của nước giàu, đóng góp khoảng 10 tỉ USD, trong đó có khoảng 3 tỉ USD từ Mỹ.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama hiện chỉ mới đóng góp được 500 triệu USD và Tổng thống mới của nước Mỹ có thể sẽ từ chối khoản đóng góp còn lại./.