Sáng 9/5 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015. Đây giống như lời phán quyết dành cho thỏa thuận hạt nhân lịch sử đạt được sau chặng đường đàm phán kéo dài hơn một thập kỷ giữa Iran và các cường quốc thế giới. Tuyên bố của Tổng thống Trump cũng đặt dấu chấm hết cho di sản của người tiền nhiệm Obama.

eight_col_000_14o2lz_jtng.jpg
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một văn bản về khôi phục lại các trừng phạt nhằm vào Iran sau khi tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015. Ảnh: AFP

Tuyên bố của ông Trump nêu rõ, Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) và sẽ tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt với Iran.

Ngay lập tức, rất nhiều nước đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ quyết định này của Tổng thống Trump, cho rằng nó sẽ “đổ dầu vào lửa” cho tình hình bất ổn tại khu vực, thậm chí đẩy Trung Đông-Vùng Vịnh đến trước bờ vực của một cuộc chiến mới.

Iran nói gì?

Tổng thống Iran Hassan Rouhani trong phản ứng đầu tiên sau tuyên bố của người đồng cấp Mỹ đã khẳng định, Iran sẽ tiếp tục duy trì thỏa thuận hạt nhân với các nước còn lại.

Trong tuyên bố được phát trực tiếp trên kênh truyền hình nhà nước Iran, Tổng thống Rouhani nói: “Từ thời điểm này, JCPOA chỉ là thỏa thuận giữa Iran và 5 nước. Iran đã chứng minh việc tuân thủ hoàn toàn các cam kết quốc tế. Trong khi đó, Mỹ chưa bao giờ thực hiện nghĩa vụ của mình trong thỏa thuận hạt nhân khi văn kiện này được thực thi từ tháng 1/2016”.

Tổng thống Rouhani cho biết, ông đã yêu cầu Ngoại trưởng Iran đề xuất đàm phán với các đối tác còn lại trong P5+1 là Anh, Pháp, Đức cùng với Nga và Trung Quốc, để cân nhắc những giải pháp cho số phận của thỏa thuận hạt nhân. 

Một động thái quan trọng được Tổng thống Rouhani nhắc tới là Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) sẽ khôi phục hoạt động làm giàu urani, nếu các cuộc đàm phán sắp tới không giúp đảm bảo quyền lợi của Iran trong JCPOA.

Ông Rouhani một lần nữa nhấn mạnh: “Nếu thỏa thuận hạt nhân Iran “sống sót”, chúng ta có thể đảm bảo hòa bình và an ninh thế giới”.

Chỉ trích đầu tiên đến từ Trung Đông

Thổ Nhĩ Kỳ và Syria là 2 nước khu vực đầu tiên lên tiếng phản đối Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.

Người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ibrahim Kalin đã chỉ trích quyết định đơn phương này của Mỹ có thể làm gia tăng bất ổn và mang tới những cuộc xung đột mới tại khu vực Trung Đông-Vùng Vịnh.

Cùng quan điểm với Tổng thống Iran Rouhani, ông Ibrahim Kalin khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đặt hy vọng thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ “sống sót” khi các nước còn lại không bỏ cuộc. Tuyên bố của Bộ trưởng Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ Nihat Zeybekci được CNN dẫn lại cũng nêu rõ, Ankara sẽ tiếp tục hoạt động thương mại với Iran trong một khuôn khổ khả thi.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Syria đã thẳng thừng chỉ trích quyết định của Mỹ. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Syria nhấn mạnh, không chỉ Syria mà phản ứng của cộng đồng quốc tế cũng lên án Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Đây là sự “cô lập quốc tế” của Mỹ và những chính sách sai lầm này của Washington sẽ làm gia tăng căng thẳng tại khu vực và trên toàn thế giới.

Phản ứng của châu Âu hay của Trung Quốc và Nga thì đã quá rõ ràng. Vì ngay từ khi Mỹ nung nấu ý định “xé bỏ” thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và P5+1, các nước này đã cảnh báo hậu quả nghiêm trọng. Nga và Trung Quốc một mực bảo vệ văn kiện được ký kết năm 2015 này. Trong khi, các đồng minh Anh, Pháp, Đức của Mỹ vẫn nỗ lực đến phút chót để thuyết phục Tổng thống Trump thay đổi ý định từ bỏ thỏa thuận với Iran.

Phản ứng của Anh, Pháp, Đức là “lấy làm tiếc” trước quyết định của Tổng thống Trump. Còn Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố “vô cùng thất vọng”. Song thực tế rằng, các nước đều đã chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất này.

Ủng hộ từ Israel và Arab

Israel và một số nước Arab tại Vùng Vịnh lại có phản ứng hoàn toàn trái ngược khi ủng hộ mạnh mẽ quyết định của Tổng thống Trump khi đưa Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu “ca ngợi” Tổng thống Trump đã có quyết định “đúng đắn” và “can đảm”, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ Mỹ từ bỏ thỏa thuận với Iran. Ông Netanyahu cáo buộc Iran trong nhiều tháng qua đã đưa lực lượng sang Syria để chuẩn bị tấn công Israel.

Quyết định của Mỹ chấm dứt thỏa thuận hạt nhân và tiếp tục trừng phạt Iran là vô cùng “ăn ý” với đồng minh Israel. Chỉ vài ngày trước tuyên bố của Tổng thống Trump, đích thân Thủ tướng Netanyahu đã công bố những bằng chứng về việc Iran âm thầm phát triển vũ khí hạt nhân sau khí ký thỏa thuận với P5+1.

Những cáo buộc của Israel khiến Mỹ càng có cớ để nói việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran là đúng đắn.

Trong khi đó, hãng thông tấn Saudi Press Agency cũng dẫn tuyên bố của Saudi Arabia hoan nghênh quyết định của Mỹ, mà theo sau đó sẽ là áp đặt lại các trừng phạt với Iran.

Saudi Arabi khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với Mỹ và các đối tác khác trên thế giới để đối phó với mối đe dọa bắt nguồn từ chính sách của Iran với hòa bình và an ninh thế giới.

Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng ra tuyên bố ủng hộ Mỹ, với kêu gọi các bên còn lại trong thỏa thuận hạt nhân Iran ủng hộ lập trường và quyết định của Washington.

Khi nào Mỹ tái áp đặt trừng phạt Iran?

Theo BBC, Bộ Tài chính Mỹ đã nói rằng các trừng phạt kinh tế của Mỹ nhằm vào Iran sẽ không thể khôi phục ngay lập tức, song trừng phạt có thể trở lại sau 90 ngày hoặc 180 ngày.

Tuyên bố trên website của Bộ Tài chính Mỹ cho biết, những trừng phạt Mỹ dỡ bỏ theo thỏa thuận hạt nhân 2015 sẽ được áp đặt trở lại, với các biện pháp nhằm vào lĩnh vực xuất khẩu dầu và máy bay của Iran, cũng như hoạt động mua bán kim loại hiếm và nỗ lực thu mua đồng USD của chính phủ Iran.

Có nguồn tin nói rằng, Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton đã yêu cầu các công ty của châu Âu phải kết thúc hoạt động làm ăn với Iran trong vòng 6 tháng hoặc sẽ phải đối mặt với các trừng phạt của Mỹ.

Tổng thống Trump từ chiến dịch tranh cử đã cáo buộc thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 là thỏa thuận “tồi tệ nhất”. Quyết định vừa công bố của ông Trump là đòn chí tử với văn kiện này, tuy nhiên, ông lại không đề xuất bất cứ chính sách thay thế nào cho vấn đề hạt nhân Iran.

Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gọi quyết định của người kế nhiệm Donald Trump là một sai lầm lớn, nhất là khi Mỹ đang chuẩn bị bàn Đàm phán Thượng đỉnh với Triều Tiên để giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa.

“Vào thời điểm chúng ta làm hết sức để đặt mọi nền móng ngoại giao với Triều Tiên, thì việc rút khỏi JCPOA đẩy thỏa thuận đạt được với Iran vào nguy cơ đổ bể. Trong khi, đây là chính là kết quả mà chúng ta đang cố gắng theo đuổi với Triều Tiên”, Tổng thống Obama viết trên Facebook cá nhân./.