Chính sách tái cân bằng sang châu Á của chính quyền Tổng thống Barack Obama là sự đồng thuận từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Do vậy, Mỹ sẽ tiếp tục dành những nguồn lực để thực hiện chính sách này trong năm 2015. Đây là khẳng định của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á-Thái Bình Dương, ông Daniel Russel trong buổi họp báo diễn ra vào sáng 5/2 (theo giờ Hà Nội).
Ưu tiên chính sách với châu Á- Thái Bình Dương
Phát biểu trước các phóng viên, ông Daniel Russel nhấn mạnh, 2014 là một năm rất thành công trong việc thực hiện những ưu tiên chính sách của Mỹ đối với châu Á-Thái Bình Dương.
Cụ thể, Tổng thống Barack Obama có hai chuyến thăm đến khu vực, trong khi Ngoại trưởng John Kerry thăm 5 lần. Bên cạnh đó là rất nhiều chuyến thăm của các thành viên nội các, quan chức cấp cao phụ trách thương mại, an ninh, năng lượng,… những lĩnh vực mà hai bên rất quan tâm.
Nhiều khả năng, năm 2015 còn đánh dấu sự ra đời của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Thỏa thuận tự do thương mại tiêu chuẩn cao này không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng, mà còn có ý nghĩa chiến lược, và tất nhiên có tầm quan trọng rất lớn đối với lĩnh vực thương mại, đầu tư và sự thịnh vượng của 12 nước thành viên TPP, của khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như nền kinh tế toàn cầu.
Ngay những ngày đầu năm, đã diễn ra hàng loạt chuyến thăm của quan chức cấp cao Mỹ tới châu Á, đặc biệt là chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Obama, chứng tỏ cam kết của Washington đối với châu Á-Thái Bình Dương.
Từ nay đến cuối năm, theo Trợ lý Ngoại trưởng Russel, Mỹ tiếp tục triển khai chương trình nghị sự nhiều tham vọng đối với khu vực, bao gồm thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, tăng cường hợp tác an ninh hàng hải, giải quyết các bất đồng thông qua đối thoại và đàm phán, hợp tác chống các tổ chức cực đoan-bạo lực,…
IS là mối đe dọa với các nước Đông Nam Á
Trước những hành động dã man và tàn bạo của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thời gian gần đây, ông Russel nhấn mạnh: “IS không phải là vấn đề của riêng khu vực Trung Đông, mà là của tất cả các nước. Các hoạt động tuyển mộ lượng lượng mới, và việc các tay súng nước ngoài tham gia IS rồi trở về quê hương,… không chỉ là mối đe dọa đối với riêng nước Mỹ, các quốc gia Trung Đông, mà còn đối với khu vực các nước Đông Nam Á, bao gồm một số nước mà tôi mới đến thăm như Malaysia, Indonesia, Brunei, Thái Lan, Philippines. Do vậy, chúng tôi đang hợp sức để đẩy lùi mối đe dọa này”.
Liên quan đến tiến trình đàm phán sáu bên, ông Russel cho rằng, Mỹ không có các chính sách thù địch, mà chỉ có chính sách nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Mục tiêu đó của Mỹ nhận được sự chia sẻ từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga và cả phía Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên khi nước này tham gia ký bản Tuyên bố chung năm 2005.
Mỹ quan ngại về hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông
Trợ lý Ngoại trưởng Russel cũng một lần nữa khẳng định Mỹ không đứng về bên nào trong các đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông, song Washington phản đối và đã bày tỏ quan ngại trước một số cách hành xử của Trung Quốc nhằm đơn phương thay đổi nguyên trạng khu vực.
Mỹ đồng thời lo ngại về những ảnh hưởng không lường trước được của cách hành xử đó đối với mối quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng.
Ông Russel cho biết: “Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Kerry đã làm sáng tỏ là, Mỹ được hưởng lợi khi Trung Quốc có mối quan hệ tốt và ổn định với các nước láng giềng, bao gồm các nước quan trọng như Việt Nam, Philippines, Malaysia,… và đây là điều mà Mỹ muốn khuyến khích. Xuất phát từ lý do đó, Mỹ ủng hộ việc tự kiềm chế của các bên đòi hỏi chủ quyền, đặc biệt là hoạt động cải tạo quy mô lớn nhằm biến các bãi đá, vỉa san hô thành những tiền đồn có thể dễ dàng phục vụ mục đích quân sự”.
Ông Russel đồng thời nhấn mạnh, quan hệ Mỹ-Trung là mối quan hệ song phương quan trọng bậc nhất. Chất lượng và sự phối hợp Mỹ-Trung ngày càng tăng mang đến những lợi ích trực tiếp cho hai nước, khu vực, cũng như toàn cầu.
Hai ưu tiên chính trong mối quan hệ Mỹ-Trung thời gian tới, đó là hợp tác trong những lĩnh vực cùng quan tâm mà thực sự có tác động đến người dân hai nước và khu vực; và giải quyết trực tiếp và thẳng thắn những khác biệt quan trọng cũng như những bất đồng theo cách không làm xói mòn các triển vọng hợp tác./.