Vụ tấn công này diễn ra vào ngày 25/7, các quan chức cho biết. Sau khi phát hiện, Lầu Năm Góc đã ngay lập tức vô hiệu hóa toàn bộ hệ thống email nói trên để giảm thiểu thiệt hại.

4.000 quân nhân và nhân viên dân sự đang làm việc tại JCS đã bị ảnh hưởng bởi vụ tấn công. Giới chức Mỹ cho biết, họ hy vọng hệ thống email sẽ sớm hoạt động trở lại trong những ngày tới. 

(Hình minh họa: KT)

Dựa vào quy mô và sự phức tạp của vụ tấn công, giới chức Mỹ tin rằng đây là sản phẩm của chính phủ nước ngoài.

Một quan chức Mỹ yêu cầu giấu tên cho biết: “Cuộc tấn công này khá phức tạp và có sự chỉ dẫn… có thể từ một nhà nước như Nga”.

Mặc dù vậy, các quan chức cảnh báo rằng rất khó có thể xác định được chính xác thủ phạm của những vụ tấn công trên mạng. “Hiếm khi bạn có thể chắc chắn 100% rằng người nào đứng phía sau vụ tấn công”, các quan chức nói.

Cũng theo các quan chức Mỹ, các nghi phạm đã sử dụng kỹ thuật cổ điển được gọi là “spear phishing” nghĩa là dùng một tài khoản đã được mã hóa gửi email cho nạn nhân. Người dùng email không ngờ sẽ nhấn vào liên kết và bị nhiễm virus độc hại.

Trước đó, chính phủ Mỹ cũng đã vướng phải nhiều vụ tấn công tương tự. Một trong những vụ việc đó là vụ tấn công nghi là do tin tặc Trung Quốc xâm nhập vào dữ liệu của Văn phòng Quản lý nhân sự của chính phủ, gây ảnh hưởng đến 22 triệu người.

Để đối phó với những đợt tấn công ngày càng dồn dập của tin tặc, các quan chức ở Washington cho biết họ đang tăng cường hợp tác đảm bảo sự an toàn của hệ thống máy tính trên toàn liên bang.

Tuy nhiên phía Mỹ khẳng định các tin tặc đã không thu thập được gì hay có thể gây tổn hại đối với với các thông tin mật. Tin tặc mới chỉ tấn công được vào các tài khoản và email thông thường, không bí mật.

"Chúng tôi đang nỗ lực giảm thiểu rủi ro an ninh mạng trên toàn mạng lưới của chúng tôi, và chúng tôi vẫn tiếp tục điều tra vụ việc này, ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là khôi phục lại hệ thống email ngay khi có thể," Jeff Davis, một phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho biết.

Hiện Moscow chưa có phản ứng gì trước những nghi ngờ của Mỹ. Trong quá khứ, quan chức Nga đã từng chối bỏ những lời cáo buộc như vậy với sự châm biếm nhẹ nhàng.

“Nó đã trở thành một xu hướng đổ lỗi tất cả mọi thứ lên Nga”, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov nói./.