Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, Mỹ và Nga chưa thay đổi quan điểm trong vấn đề phòng thủ tên lửa.
Phát biểu trong buổi phỏng vấn đặc biệt với hãng thông tấn Itar-Tass ngày 20/3 sau khi kết thúc cuộc đàm phán kéo dài 2 ngày tại Geneva (Thụy Sĩ) với quyền Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế, bà Rose Gottemoeller, ông Ryabkov cho biết, Nga chưa thấy bất cứ nhượng bộ nào do quan điểm của Nga cũng như cách tiếp cận của Mỹ không thay đổi.
Ông cũng lưu ý rằng vấn đề quan trọng nhất là ý tưởng của Nga ký một thỏa thuận có tính ràng buộc rằng các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ không nhằm vào lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga.
Theo quan điểm của Thứ trưởng Ngoại giao Nga, việc Lầu Năm Góc tuần trước tuyên bố bỏ giai đoạn 4 trong hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) ở châu Âu cho thấy cách đánh giá mới của Mỹ về các hiểm họa tên lửa, cụ thể là những thay đổi mới đây trong chương trình tên lửa của CHDCND Triều Tiên cũng như ảnh hưởng của việc Mỹ cắt giảm ngân sách quốc phòng. Nga và Mỹ vẫn mong muốn tiếp tục đối thoại tuy chưa thể đi đến kết quả cụ thể.
Ông Ryabkov cho biết, trong cuộc thảo luận với bà Gottemoeller, hai bên cũng thảo luận về chương trình hợp tác giảm thiểu nguy cơ Nunn-Lugar nhằm cắt giảm vũ khí hủy diệt hàng loạt và khuôn khổ làm việc về các vấn đề này trong tương lai.
Hai bên còn tham vấn về các hoạt động của Hội nghị giải trừ vũ khí, việc thiết lập các khu vực phi hạt nhân trên thế giới và các vấn đề liên quan tới các quy chế không phổ biến hạt nhân.
Ngày 15/3, Lầu Năm Góc đã tuyên bố từ bỏ giai đoạn 4 của hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu, vốn bị Nga phản đối gay gắt nhất.
Mỹ cũng quyết định triển khai 14 tên lửa đánh chặn ở Alaska, lắp đặt trạm radar thứ 2 ở Nhật Bản và nghiên cứu khả năng thiết lập trên lãnh thổ Mỹ căn cứ thứ ba các hầm phóng tên lửa đánh chặn./.