Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO, trong tuần này đã thông báo quyết định chọn hệ thống phòng thủ tên lửa FD-2000 của Tập đoàn Xuất nhập khẩu máy móc chính xác Trung Quốc (CPMIEC). 

CPMIEC đang phải gánh chịu những biện pháp trừng phạt của Mỹ vì những vi phạm liên quan đến đạo luật cấm phổ biến vũ khí đối với Iran, Triều Tiên và Syria. 

“Chúng tôi đã đưa ra quan ngại về những cuộc thảo luận hợp đồng của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ với một công ty bị Mỹ trừng phạt liên quan đến hệ thống phòng thủ tên lửa phối hợp hoạt động với các hệ thống của NATO hoặc các khả năng phòng thủ tập thể... Những cuộc thảo luận của chúng tôi về vấn đề này sẽ còn tiếp tục”, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết. 

patriot_copy.jpg
Tên lửa Patriot đã không "lọt tầm ngắm" của Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh AFP)

Một số chuyên gia phân tích phương Tây nói rằng họ ngạc nhiên với quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ, do họ nghĩ hợp đồng sẽ về tay Raytheon, tập đoàn Mỹ đã chế tạo tên lửa Patriot, hoặc tập đoàn Eurosam của Pháp và Ý, “cha đẻ” của hệ thống SAMP/T. 

Mỹ, Đức và Hà Lan mỗi nước đã gửi 2 khẩu đội tên lửa Patriot và 400 binh sĩ đến miền đông nam Thổ Nhĩ Kỳ đầu năm nay, sau khi Ankara khẩn thiết đề nghị NATO hỗ trợ khả năng phòng thủ trước nguy cơ bị tấn công tên lửa từ Syria. 

Thổ Nhĩ Kỳ lâu nay là đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Trung Đông và quân đội Mỹ có ảnh hưởng lớn đối với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, vốn có quyền lực đáng kể trong nền chính trị của quốc gia này. 

Dưới thời Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan (được bầu lên vào năm 2002), vai trò của quân đội trong chính trường Thổ Nhĩ Kỳ đã bị hạn chế. 

Các quan hệ chính trị và quân sự giữa Ankara và Washington, dù vẫn gần gũi, đã không còn giữ vai trò trung tâm, và điều này có thể được phản ánh trong chính sách mua sắm vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ./.