Tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh, Mỹ và các nước tuân thủ luật pháp cùng chia sẻ mối quan tâm đối với một Biển Đông tự do và mở. Mọi quốc gia, bất kể sức mạnh quân sự và kinh tế, đều được tự do hưởng các quyền được đảm bảo theo luật pháp quốc tế và được thể hiện trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 mà không sợ bị cưỡng ép.

Theo Đạo luật Di trú và Quốc tịch, Bộ Ngoại giao Mỹ áp đặt hạn chế thị thực đối với các cá nhân Trung Quốc bao gồm lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước, quan chức Đảng Cộng sản và quân đội Trung Quốc liên quan tới hoạt động bồi đắp, xây dựng hoặc quân sự hóa các tiền đồn có tranh chấp ở Biển Đông hoặc việc Trung Quốc sử dụng cưỡng ép đối với các quốc gia Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền nhằm ngăn cản các nước này tiếp cận các nguồn tài nguyên ngoài khơi ở Biển Đông. Thành viên gia đình các cá nhân này cũng có thể bị hạn chế thị thực vào Mỹ.

Ngoài ra, Bộ Thương mại Mỹ cũng bổ sung Tổng công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) vào Danh sách Thực thể do có vai trò trong chiến dịch cưỡng ép của Trung Quốc đối với các nước có tuyên bố chủ quyền khác đối với các nguồn tài nguyên dầu khí có trị giá lên tới 2.500 tỷ USD ở Biển Đông. Trung Quốc đã sử dụng Tổng công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia và các doanh nghiệp nhà nước khác làm vũ khí nhằm thực hiện "Đường chín đoạn" phi pháp của Bắc Kinh. Tổng công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc đã sử dụng giàn khoan khảo sát khổng lồ Hải Dương 981 của mình ở ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa năm 2014 nhằm đe dọa Việt Nam. Giám đốc điều hành Tổng công ty này lúc đó đã tuyên bố giàn khoan này là lãnh thổ quốc gia di động.

Tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo cho biết, Bắc Kinh tiếp tục phái các đội tàu cá và tàu khảo sát năng lượng cùng với tàu hộ tống quân sự ra hoạt động tại các vùng biển nơi các quốc gia Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền, đồng thời quấy rối các hoạt động phát triển dầu khí của các nước này tại các khu vực mà Trung Quốc không thể đưa ra tuyên bố chủ quyền hàng hải chặt chẽ và hợp pháp.   

Với phán quyết ngày 12/07/2016, dựa trên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc là một thành viên, Tòa Trọng tài quốc tế đã bác yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông vì không có cơ sở trong luật pháp quốc tế. Tháng 7/2020, Mỹ đã thống nhất quan điểm của nước này cùng với các điểm chủ chốt của phán quyết của Tòa Trọng tài đối với các yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông và một lần nữa khẳng định Mỹ bác bỏ các yêu sách hàng hải phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Mỹ hoan nghênh các nước đã chính thức phản đối các yêu sách này tại Liên Hợp Quốc.

Ngoại trưởng Pompeo khẳng định, Mỹ ủng hộ các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền bảo vệ quyền chủ quyền và lợi ích của mình theo luật pháp quốc tế. Mỹ cũng sẽ tiếp hành động cho tới khi Bắc Kinh dừng hành vi cưỡng ép của mình tại Biển Đông./.