Quyết định của Mỹ nhằm trả đũa việc Thổ Nhĩ Kỳ không chịu từ bỏ thỏa thuận mua hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không S-400 của Nga. Đây là động thái mới nhất trong một loạt xích mích ngoại giao, làm gia tăng căng thẳng giữa 2 đồng minh NATO.

f_9504_1527262557_3064_1554169722_fkqb.jpg
Các chiến đấu cơ F-35 của Mỹ. Ảnh: Reuters.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Charles Summers tuyên bố việc giao các lô hàng thiết bị cho huấn luyện và các lô hàng thiết bị tiếp theo liên quan đến máy bay tàng hình F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ đều đã bị hủy bỏ. Mỹ lấy làm tiếc nhưng đây là bước đi thận trọng nhằm bảo vệ những đầu tư chung cho một công nghệ then chốt.

Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch mua 100 máy bay chiến đấu F-35 cùng chương trình huấn luyện phi công tại Mỹ. Nhà sản xuất F-35 Lockheed Martin cho biết giá trị các hợp đồng chế tạo các bộ phận F-35 với các công ty Thổ Nhĩ Kỳ có thể lên tới 12 tỷ USD. Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo nếu Thổ Nhĩ Kỳ xúc tiến mua hệ thống S-400 của Nga, Mỹ sẽ phải đánh giá lại những vụ chuyển giao vũ khí trong tương lai cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Bất chấp những đe dọa phát đi từ Nhà Trắng, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan  kiên quyết bảo vệ thỏa thuận mua S-400 của Nga, nhấn mạnh kế hoạch này không liên quan đến an ninh của Mỹ.  Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cũng bác bỏ khả năng bán lại S-400 cho một nước khác như một giải pháp tình thế theo như đề xuất cuả một số chuyên gia:

“Trên nguyên tắc, sẽ là trái với luật pháp quốc tế khi một nước thứ ba phản đối thỏa thuận riêng giữa 2 quốc gia. Chúng tôi cam kết tôn trọng thỏa thuận với Nga. Chúng tôi mua S-400 vì nhu cầu cuả riêng mình và không có chuyện chuyển giao sang một nước thứ ba”, ông Mevlut Cavusoglu nói.

Ông Cavusoglu cũng khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ đáp ứng tất cả các nghĩa vụ liên quan đến chương trình F-35. Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ là khách hàng mua F-35 mà còn là đối tác trong dự án đa quốc gia sản xuất F-35. Việc dừng chương trình hợp tác F-35 sẽ gây thiệt hại cho cả hai phía. Một số linh kiện được sản xuất ở Thổ Nhĩ Kỳ như một phần của thân máy bay, bộ phận hạ cánh, các màn hình hiển thị trong buồng lái…

Tuần trước, Mỹ thăm dò khả năng rút Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi dây chuyển sản xuất F-35  và đang tìm nguồn cung thứ cấp để thay thế các bộ phận máy bay F-35 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất.

Mỹ luôn đặt vấn đề về tính tương thích của hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 với các hệ thống vũ khí đang nằm trong biên chế của NATO. Mỹ tin rằng hợp đồng mua bán các hệ thống S-400 là một phần trong những nỗ lực của Nga nhằm phá vỡ liên minh này. Giới chức Mỹ lo ngại việc Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu cả hệ thống vũ khí cuả Nga và Mỹ sẽ tạo điều kiện để Nga tiếp cận công nghệ tân tiến của Mỹ và tìm ra cách đối phó với F-35. 

Gia tăng sức ép, nhưng xem ra cho đến nay Mỹ vẫn thất bại trong việc thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ mua hệ thống phòng không của Nga để mua hệ thống Patriot cuả Mỹ đắt đỏ hơn. Khẩu đội S-400 đầu tiên trong số bốn khẩu đội Thổ Nhĩ Kỳ đặt mua sẽ được bàn giao vào tháng 7 tới.

Quyết định đóng băng chương trình F-35 được cho làm phức tạp hơn nữa chuyến thăm Mỹ dự Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra trong tuần này của Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu. Quan hệ giữa 2 đồng minh NATO diễn biến theo chiều hướng xấu không chỉ bởi thương vụ mua vũ khí của Nga mà xuất phát từ nhiều bất đồng chưa được giải quyết như như việc Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Mỹ dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen, bất đồng về chính sách Trung Đông và cuộc chiến ở Syria, lệnh trừng phạt nhằm vào Iran./.