Các vụ bê bối gián điệp đang gây ra một cơn địa chấn lớn đối với quan hệ đồng minh Mỹ - Đức. Thủ tướng Đức Angela Merkel mới đây thậm chí còn bày tỏ lấy làm tiếc trước sự xuống cấp nghiêm trọng lòng tin giữa hai nước đồng minh. Trong bối cảnh này, cả Mỹ và Đức đều đang nỗ lực vượt qua khủng hoảng.
Dù đã được xem là lên đến đỉnh điểm sau quyết định của chính phủ Đức trục xuất tổng đại diện Cơ quan tình báo trung ương Mỹ tại nước này, căng thẳng giữa hai nước đồng minh Mỹ - Đức vẫn chưa dừng lại. Truyền thông Đức hôm 13/7 tiếp tục tiết lộ những thông tin gây chấn động, theo đó, trong những năm qua, Chính phủ Mỹ đã bí mật tuyển dụng hàng chục người làm việc trong các bộ của Chính phủ Đức để đảm nhận vai trò “ điệp viên hai mang”. Những thông tin này đã làm suy giảm nghiêm trọng lòng tin của người Đức đối với đốc tác Mỹ.
Trong một phát biểu trên kênh truyền hình ZDF, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bày tỏ lấy làm tiếc khi phải “hạ cấp độ tin tưởng” với Mỹ, đồng thời hy vọng Mỹ sẽ có sự thay đổi trong cách hành xử. Tuy nhiên, trước những chỉ trích của Đức, chính phủ Mỹ vẫn kiên quyết bảo vệ phương thức do thám của mình và còn tỏ rõ sự không hài lòng đối với cách giải quyết mà nước này cho là “thiếu nhạy cảm” của người Đức. Theo chính phủ Mỹ, vụ việc lẽ ra nên được giải quyết qua các kênh riêng.
Trong bối cảnh như vậy, ngày 13/7, bên lề cuộc họp quốc tế về Iran đã diễn ra cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa Mỹ và Đức kể từ sau khi vụ bê bối do thám này bùng phát hồi đầu tháng này. Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry một lần nữa nhấn mạnh, quan hệ Mỹ - Đức là một mối quan hệ chiến lược. Hai nước đang có sự hợp tác mạnh mẽ về chính trị và là những nước bạn bè hữu hảo.
Ông Kerry nói: “Tôi xin nhấn mạnh rằng, quan hệ giữa Mỹ và Đức là một mối quan hệ chiến lược. Chúng tôi đang có sự hợp tác mạnh mẽ về chính trị và là những nước bạn bè tốt. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc trên tinh thần này và điều này được thể hiện rõ rệt trong cuộc thảo luận hôm nay”.
Về phần mình, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho rằng, sự tin tưởng phải được xây dựng trên sự tôn trọng lẫn nhau và điều này rất dễ dàng bị mất đi. Vì thế trong mọi trường hợp các bên không được phép để mất điều này.
Ông Steinmeier nói: “Những cuộc xung đột hiện nay tại Afghanistan, Trung Đông hay Iran cho thấy chúng ta đang ở trong thời điểm không mấy dễ dàng và các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, cũng như sự hợp tác giữa Mỹ và Đức là cần thiết. Dù có những khó khăn nhất định, song các bên đều nhận thức rõ rằng, quan hệ Mỹ - Đức là rất cần thiết không chỉ đối với hai nước mà còn trong việc giải quyết các cuộc xung đột trên thế giới".
Dù cả Mỹ và Đức đều đang cho thấy nỗ lực vượt qua khủng hoảng song theo các nhà phân tích, chắc chắn quan hệ đồng minh giữa hai nước cũng sẽ xuất hiện những rạn nứt không nhỏ. Chỉ riêng quyết định của chính phủ Đức trục xuất tổng đại diện Cơ quan tình báo trung ương Mỹ tại nước này đã cho thấy người Đức đã mất kiên nhẫn như thế nào với người Mỹ. Bởi lâu nay, chính phủ Đức vẫn tỏ ra khá hòa dịu với hoạt động do thám của Mỹ, ngay cả khi nó nhằm vào các công dân Đức và nghiêm trọng hơn Thủ tướng Merkel cũng là một mục tiêu do thám.
Còn đối với dư luận Đức, những vụ bê bối do thám liên tục nổ ra khiến họ ngày càng hoài nghi về mối quan hệ với Mỹ. Kết quả một cuộc điều tra vừa qua cho thấy, 69% người Ðức cho biết họ bị suy giảm lòng tin đối với Mỹ và 57% ủng hộ giảm phụ thuộc Mỹ./.